Đưa giá trị di sản địa chất vươn tầm thế giới: Nâng tầm “thương hiệu” danh tiếng

Thiên Trường| 21/07/2020 09:33

(TN&MT) - Những giá trị của các di sản địa chất của Việt Nam đang góp phần duy trì nhịp đập từ quá khứ, bồi đắp sức sống cho hiện tại và tương lai.

Bước tiến lớn quảng bá hình ảnh

Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4.000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 25 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó, có 8 di sản văn hóa thiên nhiên.

Động Phong Nha

Mỗi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được công nhận góp phần khẳng định, Việt Nam có thêm những bước tiến lớn về quảng bá, thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu. Những di sản đó, không chỉ mang lại hiệu quả to lớn trong giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới mà còn giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Thông qua hoạt động du lịch, di sản đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.

Điều quan trọng khi di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành di sản thế giới, nói theo cách của ngành thương nghiệp, điều đó giống như di sản được gắn một “thương hiệu” đặc biệt, hấp dẫn, đánh tiếng ra toàn thế giới. Di sản thế giới là tài sản chung của nhân loại, do đó, nghiễm nhiên trở thành một điểm không thể bỏ qua của các du khách ngoài nước khi tới Việt Nam. Đồng thời, cũng là nguồn động lực thôi thúc, lôi cuốn người dân trong nước đến với các di sản này.

Chẳng phải nói đâu xa, quần thể di tích kiến trúc Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… ngay sau khi trở thành Di sản thế giới, đã trở thành những điểm du lịch quan trọng của cả nước…

Bảo tồn phát triển bền vững

Các nhà bảo tồn đã chỉ rõ nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Cụ thể, di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Xây dựng văn hóa coi trọng di sản cho các em học sinh ngay từ lúc ấu thơ để mỗi người chúng ta chủ động đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước hỗ trợ nhưng không bao cấp hay làm thay.

Cùng với đó, cần thiết đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Giao lưu để quảng bá và giao lưu để học hỏi kinh nghiệm nhằm bảo vệ di sản tốt hơn và qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Việt Nam hiện tại có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. 5 trong số đó là di sản văn hóa, 2 là di sản tự nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long là những Di sản thiên nhiên. Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ là những di sản văn hóa. Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong số ít 35 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận.

Quan trọng là cách xử lý di sản cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa trong và ngoài nước, giữa các địa phương, giữa các dân tộc, giữa văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển để bảo đảm rằng, văn hóa và di sản sẽ gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang lại thêm sức mạnh nội sinh cho dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam.

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Đồng thời, phải xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa giá trị di sản địa chất vươn tầm thế giới: Nâng tầm “thương hiệu” danh tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO