Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba - sông Hinh: Còn nhiều vướng mắc?

12/09/2013 00:00

Bộ TN&MT vừa xây dựng xong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba – sông Hinh.

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa xây dựng xong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba – sông Hinh. Đây sẽ là một văn bản pháp lý quan trọng giúp quy trình vận hành tích nước, xả nước thống nhất trên toàn hệ thống đảm bảo cho các công trình thuỷ điện phối hợp tốt với nhau trong việc xả nước, cấp nước hạ du và phát điện hiệu quả. Tuy nhiên, dự thảo quy trình đang được đem ra lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn có những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.
   
Sẽ vận hành thông suốt liên hoàn 5 hồ
   
  Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, trên lưu vực sông Ba – sông Hinh có nhiều hồ chứa có dung tích trên 100 triệu m3 bao gồm hồ chứa Sông Hinh, Ayun Hạ và Sông Ba Hạ; hồ Krông HNăng trên sông Krông HNăng và cụm hồ An Khê-Kanak trên sông Ba. Đây là 5 hồ chứa lớn có khả năng điều tiết dòng chảy đáng kể nên đã được các chuyên gia Bộ TN&MT đưa vào xây dựng quy trình liên hồ.
   
  Chẳng hạn như hồ Ayun Hạ, vào cuối mùa cạn, những năm nhiều nước, mực nước hồ có thể để ở mức 196,5 m, cao hơn mực nước chết 1,5 m để nâng cao hiệu quả phát điện. Còn vào những năm ít nước, hồ xả nước về mực nước chết để ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt. Theo số liệu mực nước hồ từ 2000-2011 do Ban quản lý hồ cung cấp, cho thấy hơn 50% số năm mực nước hồ thấp nhất trên 199m, 80% số năm hồ có mực nước thấp nhất trên 196.5m là mực nước thấp nhất cho phép phát điện và cấp nước trừ trường hợp duy nhất vào tháng 7/2005, mực nước hồ xuống dưới mực nước chết. Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc thừa nước trong mùa cạn thường xuyên diễn ra tại hồ này.
   
  Thực tế, khi tiến hành xây dựng quy trình vận hành liên hồ, các chuyên gia cũng đã cân nhắc, tính toán làm sao để các hồ khi vận hành có sự tương hỗ lẫn nhau, góp phần vào việc giảm lũ (trong mùa lũ) và đảm bảo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu cho hạ du (trong mùa cạn) nhưng ưu tiên số 1 vẫn là phải đảm bảo sự an toàn cho các công trình hồ chứa. Trên tinh thần ấy, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đã chỉ đạo, nước là tài nguyên nhiều giá trị và được dùng chung cho nhiều mục đích khác nhau, bởi vậy, chúng ta cần phải tính toán, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các ngành và các đối tượng sử dụng nước, làm sao để giảm thiệt hại đến mức tối thiểu nhất.
   
Một góc lưu vực sông Ba
    
   
Còn nhiều vướng mắc ?
   
  Sau khi Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Ba – sông Hinh được đem ra lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa là hết sức cần thiết và cần được hoàn thiện để ban hành trong thời gian sớm nhất.
   
  Tuy nhiên, để dự thảo quy trình hoàn thiện với những quy định sát với thực tế nhất, cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.
  Cụ thể, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn Phú Yên chỉ có thể phối hợp các đơn vị vận hành hồ chứa trong tỉnh, mà không nắm được số liệu từ các trạm quan trắc ở phía thượng nguồn và cơ chế vận hành của các hồ chứa ngoài tỉnh nên vấp phải khó khăn khi chỉ đạo phòng tránh lũ. Mặt khác, hầu hết tại các nhà máy thủy điện không có cán bộ chuyên trách làm công tác khí tượng thủy văn để phối hợp cơ quan chức năng dự báo, tính toán điều tiết nước và xả lũ hợp lý.
   
  Theo ông Hoàng Đình Chung, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, tại điều 21 Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ, trước khi mở cửa xả lũ đầu tiên phải thông báo trước 2 giờ là quá ngắn, không đủ thời gian để vùng hạ du triển khai các biện pháp phòng tránh. Bởi lẽ, trong khoảng 2 giờ ấy phải qua các bước báo cho tỉnh, rồi báo cho huyện, như vậy không kịp để báo cho bà con ở hạ du. Theo ông Chung, để đảm bảo cho bà con phòng tránh, đề nghị phải thông báo trước ít nhất là 4 giờ.
   
  Về trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu được quy định tại Điều 25 Dự thảo, theo đại diện Ban Kỹ thuật sản xuất Tập đoàn điện lực Việt Nam, cần quy định thêm trách nhiệm của Giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông HNăng, Ayun Hạ và An Khê – Ka Nak về sự an toàn các công trình, chế độ và phương thức thông tin, báo cáo vận hành công trình.... Bên cạnh đó, theo đại diện của Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, Dự thảo nên xem xét bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tuyên truyền lịch lấy nước cho nhân dân để đảm bảo lấy nước hiệu quả và sử dụng nước tiết kiệm.
   
Minh Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba - sông Hinh: Còn nhiều vướng mắc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO