Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý: Mở rộng đối lượng được trợ giúp

01/06/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại hỳ họp thứ 3, sáng nay 01/6 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Theo báo cáo, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật và gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo của Ủy ban thường vụ cũng cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện đối tượng đang được hưởng trợ giúp pháp lý như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng trợ giúp pháp lý đối với một số đối tượng cụ thể.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau: việc xác định diện người được trợ giúp pháp lý cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi” - báo cáo nêu rõ.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trườngvề vấn đề này. Phát biểu tại hội trường, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị đơn giản hóa thủ tục, mở rộng các đối tượng được trợ giúp pháp lý.

ĐBQH Vương Ngọc Hà - Đoàn tỉnh Hà Giang giành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng trợ giúp pháp lý là trẻ em. Ảnh: quochoi.vn
ĐBQH Vương Ngọc Hà - Đoàn tỉnh Hà Giang giành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng trợ giúp pháp lý là trẻ em. Ảnh: quochoi.vn

Theo ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy - Đoàn tỉnh Thanh Hóa thì: để được trợ giúp pháp lý, dự thảo Luật nêu điều kiện “khó khăn về tài chính” đối với nhiều đối tượng, nhưng như thế nào là khó khăn về tài chính. “Tôi cho rằng, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý cũng nên quy định linh hoạt hơn. Như phụ nữ là nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình, họ chỉ kịp chạy thoát thân, làm sao kịp mang theo giấy tờ tùy thân. Nên quy định tạm thời tiếp nhận, trợ giúp trong lúc chờ xác minh nhân thân” - ĐBQH Phạm Thị Thanh Thủy nêu ý kiến.

Phát biểu đúng dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, ĐBQH Vương Ngọc Hà - Đoàn tỉnh Hà Giang giành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng trợ giúp pháp lý là trẻ em. Bà Vương Ngọc Hà băn khoăn: “Quy định như dự thảo thì một số đối tượng trẻ em chưa được hưởng đầy đủ cả 3 hình thức TGPL; cụ thể là như 2 hình thức đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật chỉ áp dụng hạn chế trong 1 số nhóm mà không phải tất cả. Nếu không áp dụng đầy đủ cho tất cả thì cũng phải đủ 14 nhóm đối tượng như trong Luật Trẻ em đã quy định”…

Buổi thảo luận đang tiếp tục diễn ra. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Hải Ngọc - Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý: Mở rộng đối lượng được trợ giúp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO