Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Hoàn thiện các quy định về điều tra, thống kê, kiểm kê đất đai
(TN&MT) - Nghị quyết số 18-NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, có nội dung quan trọng là “Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế”, quan điểm của Bộ TN&MT về thể chế hóa nội dung này như thế nào trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.
Quan điểm của Đảng về công tác điều tra cơ bản về đất đai
Như chúng ta đã biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc; là không gian sinh tồn, sinh sống của các cộng đồng dân cư gắn liền với từng gia đình, mọi người dân là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội, chính vì vậy Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng đất đai như trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”, trong đó có công tác điều tra cơ bản về đất đai cũng được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII “Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất”
Bên cạnh đó. tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó chỉ rõ quan điểm “Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế”, đồng thời đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là “Tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững”.
Thực trạng quy định của Luật Đất đai năm 2013 về điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai
Về điều tra, đánh giá đất đai: Luật Đất đai 2013 đã quy định về hoạt động, nội dung điều tra, đánh giá đất đai và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa được đầy đủ, cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, nên làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là thiếu các quy định về biện pháp để phục hồi, cải tạo đất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Công tác điều tra, đánh giá đất đai ở nhiều địa phương chưa được thực hiện theo quy định, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới bắt đầu triển khai việc điều tra, đánh giá đất đai của địa phương dẫn đến tình trạng thiếu thông tin về chất lượng đất, tiềm năng đất đai, thoái hóa đất nên việc bố trí đất sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng đất thấp; quy mô, loại hình, nguy cơ thoái hóa, ô nhiễm đất chưa được xác định chính xác, kịp thời nên chưa có biện pháp hữu hiệu để cảnh báo, bảo vệ, cải tạo và ngăn chặn quá trình thoái hóa, ô nhiễm đất, diện tích đất bị khô hạn, xói mòn, nhiễm mặn ngày càng gia tăngvà chất lượng đất sản xuất nông nghiệp không được duy trì, ổn định.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc, hoàn thành điều tra, đánh giá thoái hóa đất của cả nước và tại 6 vùng kinh tế - xã hội; hoàn thành việc xây dựng Hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất Quốc gia. Kết quả điều tra đã phản ánh tổng quan thực trạng, nguyên nhân thoái hóa đất của cả nước và của địa phương làm cơ sở để đề xuất các giải pháp bảo vệ, ngăn ngừa thoái hóa đất, sử dụng đất hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy sau thời gian dài canh tác tăng năng suất, sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm cho đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; giảm chất lượng và diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp; giảm năng suất, sản lượng cây trồng và ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp; suy giảm sức sản xuất và hiệu quả sử dụng đất giảm dần; có nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường.
Về thống kê, kiểm kê đất đai: Luật Đất đai năm 2013 quy định chung về phạm vi, thời điểm thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp khi tổ chức thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Trong thời gian qua, công tác thống kê, kiểm kê đất không ngừng được cải thiện, chất lượng số liệu thu được ngày một chính xác hơn, phương pháp thống kê, kiểm kê đã có nhiều tiến bộ, áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện; việc thống kê, kiểm kê định kỳ theo luật đã được thực hiện một cách nề nếp, vừa đảm bảo điều tra nắm những thông tin chuyên sâu vừa định kỳ nắm các thông tin tổng hợp trên cơ sở những quy định, hướng dẫn thống nhất về trình tự thủ tục; thống kê, kiểm kê đất đai đã lượng hoá được đầy đủ số liệu về diện tích các loại đất không chỉ thể hiện bằng biểu bảng, con số mà còn biểu thị bằng bản đồ phản ảnh rõ hiện trạng sử dụng tài nguyên đất theo từng thời điểm. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện và kết quả mang lại vừa qua cũng nổi lên một số vấn đề như công tác thống kê, kiểm kê chưa được cấp cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời theo yêu cầu của pháp luật để hình hành bộ số liệu về đất đai phục vụ cho công tác quản lý đất đai và cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Định hướng hoàn thiện các quy định về điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai
Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hồi chất lượng đất nhằm quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng đất phục vụ cho lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm cơ sở sử dụng đất bền vững. Dự thảo Luật quy định cụ thể hoạt động điều tra, đánh giá đất đai; bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai; tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
Về điều tra, đánh giá đất đai: Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá đất đai nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đất dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguyên tắc điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai; quy định cụ thể hơn và tách bạch riêng về các nội dung điều tra, đánh giá đất đai như (1) nội dung điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; (2) nội dung điều tra, đánh giá thoái hóa đất và (3) nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất. Đồng thời, quy định cụ thể về bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai, quy định rõ hơn về tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai, trong đó nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người sử dụng đất.
Về thống kê, kiểm kê đất đai: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể về nguyên tắc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, trong đó quy định:
Việc thống kê, kiểm kê đất đai được thực hiện đối với các loại đất (theo phân loại đất trong dự thảo Luật Đất đai);
Thống kê, kiểm kê đất đai theo đối tượng quản lý, sử dụng đất;
Thống kê, kiểm kê đất đai theo một số chỉ tiêu khác để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Đồng thời, quy định việc kiểm kê đất đai chuyên đề về một hoặc một số chỉ tiêu loại đất, loại đối tượng sử dụng đất, đối tượng được giao quản lý đất theo yêu cầu của quản lý nhà nước về đất đai trong từng thời kỳ.
Như vậy, việc quy định thống kế, kiểm kê đất đai cụ thể theo từng loại đất, theo theo đối tượng sử dụng đất, đối tượng quản lý đất sẽ đảm bảo lượng hóa cụ thể được số lượng diện tích các loại đất theo phân loại đất, số lượng diện tích các loại đất do người sử dụng đất đang quản lý, sử dụng; số lượng diện tích các loại đất do tổ chức được giao quản lý đang quản lý. Việc lượng hóa cụ thể về diện tích đất đai nhằm phục vụ cho các cấp, các ngành hoạch định, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước, của các địa phương và phục vụ cho các ngành kinh tế khác…