Đất đai

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu sốNhiều quy định được bổ sung, làm rõ

Trường Giang 15/08/2023 - 10:07

(TN&MT) - Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có chính sách về đất đai, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, để từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho đồng bào DTTS.

ruong-bac-thang-2.jpg

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, các chính sách này đã và đang được tiếp tục hoàn thiện nhằm tháo gỡ các vướng mắc khi triển khai trước đây.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thống kê đến năm 2019, nhu cầu về đất ở của vùng đồng bào DTTS là khoảng 24 nghìn hộ gia đình và đất sản xuất là trên 43 nghìn hộ gia đình.

Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nói chung.

8a.jpg
Dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào DTTS không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý quan tâm đến đất ở, đất sản xuất, chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, đồng thời khẳng định, nếu không có chính sách tốt trong Luật Đất đai, đồng bào tiếp tục chịu thiệt thòi và không giải quyết được đất ở, đất sản xuất. Vì vậy, tiếp tục quan tâm lưu ý đời sống người làm rừng, chủ yếu là đồng bào DTTS. Bà Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các ban ngành hết sức quan tâm. Liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chỗ nào chưa thể chế phải nỗ lực quan tâm sửa đổi.

“Lần này, tôi mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) quan tâm hơn nữa đến đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS. Đời sống là cốt tử, khi đời sống tốt thì không ai kích động được, an ninh đảm bảo, giảm nghèo bền vững” - bà Trương Thị Mai nói.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, khi thiết kế chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ TN&MT đã xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Chính phủ đã ban hành.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Bộ TN&MT và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong Dự thảo Luật để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trên thực tiễn.

12(1).jpg
Ruộng bậc thang

Theo đó, Dự thảo đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm khi giao dịch đất cho đồng bào dân tộc, quy định về thu hồi đất để tạo quỹ đất để giao, cho thuê cho đồng bào DTTS; quy định về cơ chế tài chính để thực hiện…

Làm rõ về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại Điều 17 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS.

Trong đó, quy định rõ về chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, Dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào DTTS không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng chỉnh sửa quy định tại Điều 49 về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện. Theo đó, đồng bào DTTS được giao đất, cho thuê đất lần 2 được tặng cho người thuộc hàng thừa kế và để thừa kế; trường hợp chuyển khỏi địa bàn đang sinh sống thì được thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất cho cá nhân khác là đồng bào DTTS.

Theo Ủy ban Dân tộc, trong giai đoạn 2016 - 2020, 9.523 hộ đã được hỗ trợ về đất ở với diện tích 72ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283ha. Qua đó, các hộ đồng bào DTTS đã ổn định về chỗ ở, có đất sản xuất, có nghề nghiệp để mưu sinh, dần ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ các hộ du cư, du canh tự phát từ 29.718 hộ du canh, du cư năm 2009 xuống 9.300 hộ du canh, du cư năm 2021.

Đồng thời, được để lại cho thành viên trong hộ gia đình tiếp tục sử dụng đất sản xuất được giao, cho thuê. Trường hợp người được tiếp tục sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng đất thì Nhà nước thu hồi đất để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là đồng bào DTTS.

Đặc biệt, quy định không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất đối với các trường hợp khác ngoài 2 trường hợp trên. Ngoài ra, không được thế chấp quyền sử dụng đất trừ trường hợp thế chấp tại ngân hàng chính sách xã hội.

Để đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS, Dự thảo cũng bổ sung quy định về thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo đó, đất để thực hiện chính sách theo quy định tại Điều 17 được bố trí từ quỹ đất do Nhà nước quản lý mà chưa sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 112 mới (trong đó đã bao gồm cả đất do sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường) và đất thu hồi từ dự án quy định tại điểm m khoản 3 Điều 79.

Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh

Đẩy mạnh hỗ trợ đất ở, đất sản xuất giúp vùng đồng bào DTTS ổn định cuộc sống

Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

cuong.jpg
Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh

Những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế, chính sách về an sinh, y tế, giáo dục, tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà. Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án giao đất giao rừng, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân gần 60 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn sản xuất cho trên 4.200 hộ dân. Bằng nguồn vốn hỗ trợ, hàng nghìn hộ dân, nhất là vùng đồng bào DTTS đã ổn định nhà cửa, có tư liệu, có đất sản xuất và nguồn vốn để trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh đã tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực, trong 3 năm 2021 - 2023 đã ưu tiên bố trí 2.633 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Riêng trong năm 2023, Quảng Ninh đang đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ cho hơn 270 hộ gia đình có nhà tạm, dột nát với kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là chính sách quan trọng giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về đất ở, nhà ở được sống trong những căn nhà vững chắc, ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với vùng đồng bào DTTS ở miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là địa bàn các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định và từng bước nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn.

Ông Hồ Văn Phương - Phó trưởng Ban Dân tộc TP. Cần Thơ

Cần có chính sách đất đai phù hợp hơn cho đồng bào DTTS

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố, Ban Dân tộc TP. Cần Thơ cũng đã cùng với các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết đối với các quy định về đất đai đối với đồng bào DTTS trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

phuong.jpg
Ông Hồ Văn Phương - Phó trưởng Ban Dân tộc TP. Cần Thơ

Ban Dân tộc TP. Cần Thơ thống nhất các chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS quy định tại Điều 17 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật cũng đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có đất ở, đất sản xuất sẽ gây khó cho công tác quản lý cũng như việc thực hiện các chính sách khác đối với đồng bào DTTS. Vì vậy, Ban Dân tộc TP. Cần Thơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét nên có quy định “ưu tiên” thay cụm từ “tạo điều kiện” (khoản 2, Điều 17) bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS để đồng bào định cư, an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ban Dân tộc TP. Cần Thơ cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại khoản 1, Điều 40 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân là DTTS ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo…” để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất.

Bởi, hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới nên vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ giảm; đồng thời, cũng có một số địa phương hiện nay không còn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không có biên giới và biển đảo nhưng vẫn còn hộ gia đình, cá nhân là DTTS nghèo, khó khăn có nhu cầu được giao đất như TP. Cần Thơ.

Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn

Quan tâm cấp sổ đỏ cho người dân vùng cao

Thời gian qua, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân vùng cao luôn được huyện Văn Chấn quan tâm. Đến nay, trên 80% người dân vùng cao được cấp GCNQSDĐ lần đầu.

son.jpg
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn

UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người dân, nhất là tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã cấp 165 GCNQSDĐ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện; bên cạnh đó, nhiều trường hợp đủ điều kiện cấp
GCNQSDĐ đã được đo đạc, đang thiện hồ sơ theo quy định.

Đối với bà con vùng cao, vùng đồng bào DTTS của huyện, nhiều hộ gia đình chưa thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ do nhận thức cho người dân còn hạn chế, sự hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao. Do đó, gây ra một số khó khăn nhất định đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, nhất là trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.

Ngoài ra, việc chưa được cấp GCNQSDĐ cũng ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ gia đình, cá nhân tại vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai dự án đo đạc bản đồ địa chính trên địa bàn huyện Văn Chấn. Thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT, các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm triển khai thực hiện dự án, làm cơ sở thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người dân theo quy định.

Cùng với đó, để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trong công tác cấp GCNQSDĐ, UBND huyện giao Phòng Tư pháp phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo các xã, thị trấn nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Từ đó giúp người dân hiểu được sự cần thiết, ý nghĩa của GCNQSDĐ đối với việc thực hiện các quyền của người sử đụng đất. Qua đó, người dân chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục cấp GCNQSDĐ.

Thanh Ngà - Phạm Hoạch - Lê Hùng (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số Nhiều quy định được bổ sung, làm rõ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO