(TN&MT) - Sáng 26/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo Quốc gia góp ý, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cùng đông đảo lãnh đạo đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương có biển cùng dự.
Ngày 22 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong giai đoạn tới với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra.
Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể, thể chế hóa nghị quyết. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết.
Hội thảo này có ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng vào thành công của việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên mong muốn các đại biểu tập trung góp ý cho Dự thảo các nội dung chủ yếu sau: Một là, phân tích, đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của các ngành kinh tế biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Hai là, tập trung góp ý, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Đóng góp vào Dự thảo này, TS. Đỗ Cẩm Thơ, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, với lợi thế du lịch cảng Biển Việt Nam hơn hẳn nhiều nước trong khu vực nhưng tính riêng cho du lịch biển, hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển du lịch nào. Bên cạnh đó thì ngân sách và năng lực xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tuy có được nâng lên một bước nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực. Cũng vậy, với kinh nghiệm phát triển du lịch biển lâu năm, công tác tổ chức và các dịch vụ của các nước này cao hơn so với Việt Nam.
Chính vì vậy, để tạo khâu đột phá, bên cạnh việc tiếp tục quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các vị trí địa lý, du lịch Việt Nam, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các khu du lịch thì rất cần xây dựng một cảng biển du lịch phục vụ cho các con tàu du lịch quốc tế qua lại với các dịch vụ hoàn hảo, hấp dẫn hơn.
TS.Trịnh Thế Cường Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, so với tiềm năng của hệ thống sông ngòi tự nhiên nước ta, khả năng kết nối giữa hàng hải và đường thủy nội địa hiện vẫn chưa được phát huy tương xứng do một số nguyên nhân chủ yếu như: thiếu các bến cảng chuyên dùng phục vụ cho việc kết nối…Vì vậy kế hoạch 5 năm tới, xác định khâu đột phá của ngành là phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ; Nghiên cứu, hình thành phát triển các kết nối cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu và giao lưu giữa các vùng, miền trong nước bằng đường biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Ngoài ra, các đại biểu, các nhà khoa học còn góp ý khá kỹ về các chỉ tiêu xây dựng khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển; khu bảo tồn biển; đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng KHCN cho vấn đề đáp ứng chỉ tiêu phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đặc biệt là vấn đề thiếu phương tiện hiện đại ra khơi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế biển; Nên quan tâm hơn tới việc đưa các dự án bảo về quốc phòng an ninh trên biển lồng ghép vào các dự án, đề án điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học; Quan tâm tới nguồn lợi khoáng sản, thủy hải sản và đánh giá cụ thể về sản lượng cho tương lai đặc biệt với ngành dầu khí, thủy sản…
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên bày tỏ sự cảm ơn những đóng góp quý báu của các Bộ, ngành, các nhà khoa học vào Dự thảo. Thứ trưởng cũng cho biết, việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo còn thiếu không ít ý kiến của các địa phương có biển và yêu cầu địa phương nào chưa có ý kiến, cần phải có thái độ tích cực hơn nữa vì đây là một kế hoạch quan trọng, liên quan đến sự phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt là đối với kinh tế của các địa phương có biển. Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục tập hợp lại các ý kiến đóng góp, hoàn thiện lại Dự thảo để kịp thời trình Chính phủ trong thời gian tới.