Khái niệm du lịch “bền vững”, “có trách nhiệm”, du lịch “sạch” xuất phát từ đó và trở thành một lời kêu gọi thống thiết từ những nhà quản lý, công ty cũng như khách du lịch có ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn môi sinh cho chính cộng đồng con người và sinh vật ngay trên khu vực khai thác du lịch.
Thật ra, chưa ai tính được tốn kém chi phí làm sạch lại môi trường và tái tạo môi sinh trong một vùng du lịch đã được khai thác bằng những con số kế toán cụ thể. Nhưng điều rõ ràng là một địa điểm du lịch quá dơ bẩn và mất vệ sinh như vung vãi bao nylon, các túi chai đựng thực phẩm và kể cả thức ăn thừa… thường khó thu hút lại khách tham quan.
Không như các ngành công nghiệp khai khoáng hay các công trình thủy điện có thể khoanh vùng khu vực ảnh hưởng từ khởi công đến khi vào vận hành, ngành du lịch ngày nay đang chịu sức ép khai thác kinh tế trên diện rộng mà nguồn thu nhập của ngành lại chính là tiền bạc từ trong túi của đối tượng khai thác là khách du lịch.
Chính vì vậy, nếu không ràng buộc trách nhiệm của “thượng đế”, nếu như công ty khai thác du lịch chỉ chạy theo đồng tiền và lợi nhuận… thì không mấy chốc, các khu du lịch, những danh lam đẹp như mơ trở thành các núi rác, có nguy cơ là ổ dịch bệnh cho dân cư trong vùng.
Phát triển du lịch bằng mọi giá hay chỉ tính trên cơ số kim ngạch để đạt kế hoạch kinh doanh của ngành du lịch của một nước hay một vùng nào đó mà không cân nhắc, cân đối giữa rủi ro gặp phải và yếu tố bù đắp, hệ quả để lại sẽ là Nhà nước và nhân dân gánh chịu.
Thật ra, khối lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của ngành du lịch là vô bờ bến chứ không như điều trước đây thường được nghe nói “ngành công nghiệp không khói” với hàm ý là ngành khai thác kiếm tiền không bụi bẩn, không đốt rừng phá núi… như nhiều người lầm tưởng.
Một cơ quan quản lý du lịch Pháp đã đưa ra các con số “tiêu hao” cho các hoạt động khai thác du lịch. Rất bất ngờ vì chúng không hề thua kém các ngành công nghiệp “có khói” khác.
Khối lượng tiêu thụ nước ngọt cho từng hành khách, tắm rửa, ăn uống, nước sử dụng cho các hồ tắm, tưới cỏ các sân golf có thể đạt tới hơn 400 lít/ngày/đầu người.
Chưa kể, để thỏa mãn các hoạt động du lịch có liên quan, ngành du lịch, các nhà tổ chức tour đã ít nhiều có những can thiệp tới lĩnh vực địa chất, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, đất, rừng, đất ngập nước, động vật hoang dã và cảnh quan… Hệ quả là mất rừng, gây nên hiện tượng xói mòn đất, lũ quét, sạt lở đất...
Tuy có tiếng là loại hình công nghiệp không khói, nhưng ngành du lịch phải sử dụng các phương tiện vận chuyển, xả thải gồm khói (máy bay), nước (tàu thủy), các chất rắn và lỏng, các sản phẩm thuộc dầu và dư lượng hóa chất còn quá hơn các ngành “có khói”. Ước tính một tàu thủy du lịch xuyên đại dương xả chừng 7.000 tấn chất thải mỗi năm.
Và nếu như có bao nhiêu phần trăm lượng hành khách đi máy bay là người đi du lịch, thì khói thải của ngành hàng không cũng nên được chia công bằng cho ngành du lịch. Đó là chưa nói đến sự hao mòn các vùng ngập mặn, các rạn san hô, các bãi biển nhường dần cho những công trình đô thị phục vụ du lịch…
Vì vậy, nếu như các doanh nghiệp không tham gia vào các chương trình du lịch bền vững một cách chủ động và kịp thời, chính họ sẽ làm nghèo và xấu đi vùng khai thác du lịch, mà hệ quả là đẩy nhanh quá trình làm “tái nghèo” nơi đã từng làm giàu cho chính họ.