Trưa ngày 31/1, sau khi thông tin tuyết rơi tại khu du lịch quốc gia Sa Pa được đăng tải, đã có hàng nghìn du khách nô nức đổ về Sa Pa. Dọc con đường quốc lộ 4D đoạn Lào Cai – Sa Pa lượng xe tấp lập đổ lên Sa Pa dày đặc, nhiều đoạn còn tắc không thể lưu thông.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một du khách ở Hà Nội cho biết: Sau khi nghe thông tin khu du lịch quốc gia Sa Pa có tuyết rơi, tôi đã ngừng mọi công việc để đưa cả gia đình mình lên đây ngắm tuyết. Do những đợt tuyết rơi trước, tôi đi công tác nên không đưa gia đình đi được, thấy bạn bè đi về khoe ảnh đẹp rất tiếc nên tôi đã tự hứa rằng, năm nay nếu tuyết rơi nhất định sẽ không bỏ lỡ cơ hội.
Còn gia đình anh Bùi Công Thắng sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh thì cảm thấy thật may mắn khi được chứng kiến đợt tuyết rơi tại Sa Pa hôm 31/1 này, lại đúng dịp anh và vợ anh đang nghỉ kỷ niệm 10 năm ngày cưới tại Sa Pa.
Theo ông Nguyên, Trưởng phòng Văn hóa và Du lịch huyện Sa Pa, do thông tin tuyết rơi được các báo và các mạng xã hội chia sẻ rầm rộ, chiều ngày 31/1, lượng khách đổ lên Sa Pa để ngắm tuyết càng ngày càng đông, đoạn đường bắt đầu vào khu du lịch đã bị tắc nghẽn nhiều km. Tuy nhiên, do đang là ngày làm việc nên lượng du khách không đông bằng những lần tuyết rơi trước, các cơ sở lưu trú trên địa bàn vẫn đáp ứng được nhu cầu ăn, ở của du khách khi đi ngắm tuyết.
Khác với sự hào hứng của du khách khi trải nghiệm ngắm tuyết tại Sa Pa là nỗi buồn không thể nói thành lời của người nông dân nơi đây khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Anh Giang A Phư ngồi buồn bên con nghé non mới chết của gia đình, anh Phư cho biết, gia đình anh nuôi được 4 con trâu. Cuối năm 2017, 2 con trâu mẹ của gia đình anh đã sinh được 2 chú nghé, dự định sang năm 2018 sẽ bán 2 chú nghé lấy tiền trang trải nợ nần và cho con có manh áo mới. Khi nghe tin thời tiết chuyển lạnh, gia đình anh đã chuẩn bị chuồng trại cẩn thận, và thức ăn cho đàn trâu. Thế nhưng, do lạnh quá nghé con lại bé nên sáng 31/1, một con nghé con đã chết. Nếu cứ rét nữa thì con nghé con còn lại không biết có sống nổi không? Anh Phư vừa buồn vừa nói.
Còn gia đình chị Hoàng Thị Nhung lại thất thu bởi vườn hoa và rau chuẩn bị bán tết. Do nhiều đợt rét nặng quá nên hơn 0,5 ha su su của chị không phát triển được và không cho thu hoạch quả, vì vậy đợt tết này không có su su để bán. Không những thế, nhà chị Nhung lại sát với đèo Ô Quý Hồ, tuyết rơi vào giàn su su và gần 2 sao hoa hồng nhà chị. Tuy tuyết rơi lần này không dày như những năm trước, nhưng sau khi gặp tuyết rồi thì lá, mầm, hoa của su su và hoa hồng sẽ không sinh trưởng phát triển nữa, ảnh hưởng đến năng xuất cũng như thu nhập của gia đình.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa cho biết: Chỉ trong 2 ngày 30, 31/1, huyện Sapa đã có thêm 13 con trâu, bò chết, nâng số trâu bò dê chết của huyện lên 286 con trong đợt mùa đông từ tháng 10/2017 – 1/2018. Nghành nông nghiệp huyện Sa Pa khuyến cáo, do thời tiết khắc nghiệt và nhiều khả năng 1,2 ngày tới tuyết lại rơi. Vì vậy, người trồng hoa chủ động che chắn hoa để tránh thiệt hại. Với người trồng rau và atiso, cần chủ động thu hoạch sớm, tưới rau vào sáng sớm nếu cây bị tuyết phủ dày; các hộ chăn nuôi cần nhanh chóng đưa gia súc về vùng thấp, chuẩn bị đủ thức ăn và che chắn chuồng trại tốt hơn.
Được biết, tại tỉnh Lào Cai trong ngày 30, 31/1 tuyết không chỉ rơi tại đỉnh Fansipan và đèo Ô Quý Hồ của huyện Sa Pa mà tuyết còn rơi tại Y Tý của huyện Bát Xát. Do vậy, người dân trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai cần chú ý dự báo thời tiết và chủ động tránh rét cho người và vật nuôi, cây trồng để giảm thiểu tối đa thiệt hại.