Môi trường

Dự báo nhu cầu điện mùa nắng nóng tăng cao

Khánh Ly 10/04/2024 - 15:17

(TN&MT) - Trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6, 7), hệ thống điện được dự báo sẽ chịu áp lực rất lớn do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Ngày 10/4, thông tin tại Hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Tính đến hết Quý 1 năm 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện đã có sự tăng trưởng đột biến lên 11,84%, hơn gấp đôi so với Quý 1 năm 2023.

Dự báo mức tăng có thể lên đến 13% trong giai đoạn cuối mùa khô. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong thời gian tới, việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện rất quan trọng và phát huy hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn – ông Vũ nhấn mạnh.

z5334239623613_23d39c89064d83cbb776eb348264ffe5.jpg
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng sẽ đến sớm trong năm 2024 và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn nước vận hành các hồ thủy điện và tăng nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát.

Rút kinh nghiệm từ tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Bắc trong các tháng 5 - 6/2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Trong đó, đề ra các giải pháp tiết kiệm điện cụ thể tới từng đối tượng như cơ quan công sở, các tòa nhà, hộ gia đình, tạo thói quen tiết kiệm điện tới từng cá nhân...

untitled.png
Tăng trưởng phụ tải thực tế quý I/2024 so với quý I/2023. Nguồn: EVN

Để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp đến EVN và các đơn vị liên quan.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 17/02/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 và gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/03/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024.

z5334239627720_ce20b97a0c0e453a90ae8e64b803e337.jpg
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện trên phạm vi cả nước, một giải pháp thiết thực khác là là thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), cụ thể là các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Theo đó, khách hàng sử dụng điện sẽ chủ động điều chỉnh hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng điện trong vào giờ cao điểm.

Giải pháp này giúp hệ thống điện quốc gia, vùng/miền hoặc tại các khu vực lưới điện tránh tình trạng bị quá tải, nghẽn mạch cục bộ. Điển hình, theo báo cáo của EVN, đã có thời điểm trong tháng 5 - 6/2023, tổng công suất điều chỉnh giảm được của khách hàng chủ động tham gia chương trình DR là gần 500MW. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực mất cân bằng cung cầu hệ thống điện cũng như giảm tình trạng phải thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.

z5334239640765_c4b09e2486f2024fd7669df380d09f31.jpg
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với các điểm cầu tại các Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực khu vực miền Trung và miền Nam

Theo ông Nguyễn Quang Minh, đại diện Mạng lưới tiết kiệm điện tại Việt Nam (VESN), để điều chỉnh phụ tải, một số giải pháp hữu hiệu hiện nay là lắp đặt điện mặt trời áp mái để giảm áp lực cho hệ thống điện trong giờ cao điểm; lắp đặt hệ thống pin lưu trữ để tận dụng tối đa điện năng từ điện mặt trời áp mái các nguồn điện khác; chủ động lập kế hoạch sản xuất trong giai đoạn phụ tải điện tăng cao để đảm bảo tiến độ cung ứng sản phẩm theo hợp đồng kinh tế với các đối tác.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), nhận định, trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây, ngoài việc quan tâm phát triển phía CUNG, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã dành nhiều sự quan tâm đến phía CẦU. Điều này là tất yếu để đảm bảo an ninh cung cấp điện, an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí) ngày càng cạn kiệt, trái ngược với xu hướng tăng trưởng tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện và biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

z5334239636829_77a93bd77ba4199b789448fb35ecf8b1(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra, chi phí để thay đổi, điều chỉnh giảm hoặc tiết kiệm 1 MW công suất phụ tải điện vào giờ cao điểm sẽ rẻ hơn chi phí để cung cấp thêm 1 MW công suất nguồn điện (bao gồm chi phí xây dựng thêm nhà máy điện mới hoặc huy động các nguồn điện giá cao, chi phí hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện).

Trong bối cảnh hiện nay cũng như nhìn xa hơn đến năm 2050, các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ là các giải pháp bền vững và hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP 26, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – ông Hữu nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (Cộng đồng ESS) đã chính thức ra mắt với sự hiện diện của hơn 20 đơn vị đồng sáng lập. Sự ra đời của Cộng đồng ESS như một lời giải cho những thách thức của việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời cũng đánh dấu thêm những điểm sáng, ý nghĩa góp phần hỗ trợ Mạng lưới VESN thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động về đào tạo, tập huấn, tư vấn và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp (chiếm hơn một nửa tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia), tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.

Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm, trung bình sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện. Nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện, hiệu quả đem lại sẽ cực kỳ to lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo nhu cầu điện mùa nắng nóng tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO