Nhà thủy văn kiểm tra các vết nứt trong con đập khô cạn ở thị trấn Graaff-Reinet bị hạn hán ở Nam Phi vào tháng 11/2019. Ảnh: Mike Hutchings / Reuters |
Dự báo trên dựa trên các quan sát về xu hướng trong những năm gần đây khi thế giới đã trải qua các năm có nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với thời kì tiền công nghiệp và kèm theo những đặc điểm mà các nhà khí tượng học cho là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Met Office dự báo xu hướng này có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020, không bao gồm các sự kiện không thể lường trước như một vụ núi lửa phun trào lớn mà có thể gây ra sự hạ nhiệt tạm thời.
Năm tới cũng khó có thể chứng kiến sự kiện nóng lên tự nhiên mạnh mẽ vì chưa thấy dấu hiệu của hiện tượng El Niño. El Niño là hiện tượng thời tiết ở Thái Bình Dương có thể dẫn đến nhiệt độ cao bất thường, giống như năm 1998. Năm 2005 trở thành năm nóng nhất kể từ khi các mức nhiệt được ghi lại vào năm 1850. Trong nhiều năm, điều đó là minh chứng cho những tuyên bố sai lầm từ một số phía rằng khoa học khí hậu là sai và sự nóng lên toàn cầu đã không xảy ra.
Năm nóng nhất trong kỷ lục tính đến thời điểm hiện tại là năm 2016, năm có hiệu ứng El Niño và những năm sau đó nhiệt độ đã gần với kỷ lục.
“Các hiện tượng tự nhiên, như hiện tượng El Niño ở Thái Bình Dương làm ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu. Khi không có hiện tượng El Niño, dự báo này đưa ra một bức tranh rõ ràng về yếu tố mạnh nhất khiến nhiệt độ tăng cao đó là khí thải nhà kính”, Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu Phòng Dự báo thời tiết dài hạn của Met Office cho biết.
Nếu dự báo là chính xác, thế giới sẽ đến gần hơn với “bờ vực” của sự cố khí hậu vào năm 2020. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu với mức nhiệt cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ có tác động xấu tới hệ thống khí hậu toàn cầu.
Năm 2015 được ghi nhận là năm đầu tiên nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với mức trung bình từ năm 1850 - 1900, tốc độ thay đổi rất nhanh chóng. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta có thể sẽ chạm ngưỡng 1,5 độ C trong vòng hai thập kỷ.
Phát thải khí nhà kính ít có dấu hiệu suy giảm. Nghiên cứu được công bố trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP25) hồi đầu tháng này cho thấy lượng khí thải cácbon hàng năm hiện cao hơn 4% so với năm 2015 từ khi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết.
Met Office đã sử dụng các phương pháp tương tự vào năm 2018 để dự báo nhiệt độ năm 2019 và các quan sát trong năm nay cho thấy nhiệt độ có khả năng chạm đến ngưỡng theo ước tính. Dự báo năm 2020, sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng từ 0,99 - 1,23 độ C, với ước tính tăng là 1,11 độ C.
Nhiệt độ tăng không đồng đều trên toàn cầu, với việc nóng lên ở Bắc cực nhanh hơn nhiều so với mức trung bình. Theo nghiên cứu, băng Greenland đang tan nhanh hơn bảy lần so với những năm 1990.