Dự án thăm dò, khai thác đá thạch anh: Sơn La có "thiên vị"?

19/08/2016 00:00

(TN&MT) - Điểm mỏ thạch anh, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã được Bộ TN&MT đưa vào khu vực các khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tại Quyết định số 1236/QĐ-BTNMT ngày 25/7/2013. Việc cấp phép thăm dò, khai thác tại điểm mỏ này, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Sơn La.

Cty CP Trung Hưng đã đầu tư hàng tỷ đồng để thực hiện khảo sát, đánh giá trữ lượng thạch anh tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.
Cty CP Trung Hưng đã đầu tư hàng tỷ đồng để thực hiện khảo sát, đánh giá trữ lượng thạch anh tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.

Căn cứ theo khoản 2, 3, Điều 82, Luật Khoáng sản năm 2010 về thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, khi Bộ TN&MT đã đưa điểm mỏ thạch anh vào khu vực các khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thì thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác cũng như gia hạn, thu hồi giấy phép thuộc về UBND tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đó, xét về vị trí, điểm mỏ thạch anh nằm trên tầng đường thứ 3 thuộc tỉnh lộ 112, việc khai thác ảnh hưởng trực tiếp đến đường tỉnh lộ 112 và việc tham gia giao thông của người dân. Do đó, việc khai thác bị hạn chế về không gian, diện tích, kỹ thuật khai thác hiện đại... Chính vì vậy, việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm trong quản lý điều hành dự án khai thác khoáng sản là vấn đề mấu chốt. Đồng thời, các đơn vị khai thác khoáng sản tại địa bàn Sơn La phải chấp hành nghiêm và đúng các quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, điểm mỏ thạch anh đáp ứng tiêu chí quy định tại Khoản 6, Điều 12, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP, ngày 9/3/2012 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản 2010. Vì lẽ đó, ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định số 2627/QĐ-UBND bổ sung điểm mỏ thạch anh, bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên vào khu vực không đấu giá mà được thực hiện theo phương thức lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Sơn La.

Ngay sau đó, tỉnh Sơn La nhận được 3 văn bản xin chủ trương cấp phép của 3 đơn vị, bao gồm: Cty CP Cơ điện Việt Nam; Cty CP Xây dựng và thương mại Ngọc Thanh; Cty CP Trung Hưng.

Giấy phép thăm dò khoáng sản 599/GP-UBND ngày 16/3/2016.
Giấy phép thăm dò khoáng sản 599/GP-UBND ngày 16/3/2016.

Trong đó, Cty CP Trung Hưng được UBND tỉnh Sơn La lựa chọn là đơn vị được cấp phép tham gia Dự án thăm dò, khai thác mỏ thạch anh tại xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên. Mới đây nhất, ngày 16/3/2016, UBND tỉnh Sơn La đã cấp phép cho Cty CP Trung Hưng tại Giấy phép số 599/GP-UBND, đồng ý cho Cty CP Trung Hưng được thăm dò thạch anh tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La với diện tích 22,6ha, trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.

Kể từ khi Dự án thăm dò, khai thác thạch anh tại xã Phiêng Ban được giao cho Cty CP Trung Hưng, Cty CP Cơ điện Việt Nam đã liên tiếp gửi đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La cho rằng địa phương này đã quá “ưu ái” cho Cty CP Trung Hưng.

Trong khi, năm 2011, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 về việc giao Cty CP Cơ điện Việt Nam là chủ đầu tư lập Dự án khảo sát, thăm dò, quy hoạch khai thác thạch anh tại xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên. Đến ngày 30/10/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2625/QĐ-UBND ngày 30/10/2015, thu hồi quyết định số 1446/QĐ-UBND. Cty CP Cơ điện Việt Nam cho rằng: Việc UBND tỉnh Sơn La thu hồi mỏ là trái quy định của pháp luật và vượt thẩm quyền!

Tuy nhiên, như Báo TN&MT đã từng phản ánh, việc Cty CP Cơ điện Việt Nam bị loại khỏi dự án thăm dò, khai thác đá thạch anh là bởi lẽ, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La, đơn vị này đã liên tiếp vi phạm các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Lẽ đó, việc UBND tỉnh Sơn La thu hồi quyết định 1446/QĐ-UBND và không cấp giấy phép thăm dò, khai thác mới cho Cty CP Cơ điện Việt Nam là hoàn toàn đúng theo tinh thần Luật Khoáng sản 2010, điểm e khoản 1 mục III Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 6/12/2012 của Chính phủ: “Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản; không gia hạn, bổ sung hoặc cấp mới giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản cho các doanh nghiệp không đảm bảo đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”.

Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: "Khi tiến hành cấp phép, quan điểm của UBND tỉnh Sơn La là phải lựa chọn đơn vị có năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm trong thăm dò, khai thác khoáng sản. Đặc biệt, phải chấp hành nghiêm và đúng các quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản cũng như nghĩa vụ thuế, phí cấp quyền đối với Nhà nước. Tuy nhiên, trước những phản ánh của một vài doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí, UBND tỉnh Sơn La sẽ tổ chức họp bàn cùng các sở, ngành có liên quan, sẽ xem xét lại quy trình cấp phép tại điểm mỏ thạch anh để đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật, công khai và minh bạch."

Công văn số 2493/UBND-KT
Công văn số 2493/UBND-KT về giải quyết khiếu nại của Cty CP Cơ điện Việt Nam

Hiện nay, UBND tỉnh Sơn La đã có Công văn 2493/UBND-KT ngày 9/8/2016, gửi Sở TN&MT Sơn La về giải quyết đơn thư khiếu nại của Cty CP Cơ điện Việt Nam liên quan tới mỏ đá thạch anh tại xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Bắc Yên xem xét, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh tạm dừng việc thăm dò đối với mỏ đá thạch anh tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đến khi giải quyết dứt điểm khiếu nại của Cty CP Cơ điện Việt Nam. Đồng thời, rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động thăm dò khoáng sản đối với mỏ đá thạch anh tại bản Phiêng Ban A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên. 

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, không ít các công ty, doanh nghiệp tham gia thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn Sơn La nói riêng và cả nước nói chung làm ăn theo kiểu "chộp giật", nợ thuế Nhà nước, phí cấp quyền... phá nát hạ tầng giao thông nhưng lại không có đóng góp gì cho địa phương. Hệ lụy từ việc làm ăn "bê bết" của một số công ty khai thác khoáng sản không chỉ đơn thuần nợ thuế Nhà nước không nộp phí cấp quyền... mà còn kéo theo việc tàn phá, hủy hoại môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Thiết nghĩ, trước tình trạng đó, UBND tỉnh Sơn La cũng cần có quan điểm và quyết sách đủ mạnh để loại những công ty, doanh nghiệp làm ăn "bê bối" ra khỏi danh sách ứng cử bất cứ một dự án thăm dò, khai thác khoáng sản nào theo đúng quy định của Luật Khoáng sản 2010. 

Bài & ảnh: Trần Hương - Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án thăm dò, khai thác đá thạch anh: Sơn La có "thiên vị"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO