Dự án Sự Sống: Tọa đàm hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học
Chiều 4/5, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nằm trong chuỗi sự kiện của Dự án Sự Sống được khởi xướng bởi Công ty TNHH Hiệp hội truyền thông PDA&PARTNERS, với sự đồng hành và bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi Toạ đàm hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học.
Tham dự buổi Toạ đàm có ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay; ông Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam; đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Dự Toạ đàm về phía huyện Côn Đảo có: Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo; ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Toạ đàm cũng thu hút được sự quan tâm, tham dự của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương: Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; Nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM; Nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM; Nhà báo Hoàng Mạnh Hà, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường; Nhà báo Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM (VTV9); Nhà báo Trần Như Hoa, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam Báo Công Thương... Cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sỹ và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát triển thuận thiên
Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía Đông Nam của nước ta, quần đảo có diện tích khoảng 7,600ha gồm 16 hòn đảo, được xác lập cấp hành chính là cấp huyện (huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Theo ông Trần Anh - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hiệp hội truyền thông PDA& PARTNERS cho biết việc lựa chọn Côn Đảo là điểm đến đầu tiên cho hành trình bảo tồn di sản thiên nhiên của dự án Sự Sống do hòn đảo này là vùng đất di sản của Việt Nam và là một trong những nơi có cảnh sắc thiên nhiên bí ẩn quyến rũ nhất thế giới. Đây là nơi giá trị thiên nhiên vẫn còn nguyên sơ nhất mà chúng ta cần phải giữ gìn, bảo vệ cho muôn đời sau.
“Sự Sống là một dự án đặc biệt do PDA&PARTNERS khởi xướng và được chắp cánh bởi những người yêu thiên nhiên, mong muốn bảo tồn di sản quý giá này. Tọa đàm ngày hôm nay là chìa khóa đầu tiên mở ra cánh cửa bước vào hành trình bảo vệ, giữ gìn và quảng bá các giá trị di sản thiên nhiên và văn hoá nghệ thuật tốt đẹp đến với cộng đồng. Tôi hi vọng quý vị có mặt tại đây hôm nay sẽ cùng chung tay lan tỏa tình yêu thiên nhiên, tôn trọng và trân quý những gì thiên nhiên ban tặng, bằng những hành động thực tế”. Ông Trần Anh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, theo ông Trần Anh - Dự án Sự Sống được khởi nguồn từ tình yêu thiên nhiên thuần khiết và cảm nhận sứ mệnh chung tay giữ gìn di sản quý giá này. Chúng tôi muốn chia sẻ vẻ đẹp của thiên nhiên với tâm thế tích cực để tất cả cùng trân quý và giữ gìn vẻ đẹp đó; thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật, cùng các hoạt động thực tế và các sự kiện chuyên sâu.
Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Trần Văn Mạnh - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay cho rằng: Thiên nhiên là sự sống cho con người, là một phần của một hệ thống được kết nối chặt chẽ, “sức khỏe” của thiên nhiên liên quan trực tiếp đến vận mệnh của nhân loại, bởi thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sản xuất lương thực thực phẩm, cung cấp nước sạch và dược phẩm phục vụ con người. Thiên nhiên đang biến mất nhanh hơn khả năng nó tự phục hồi. Và nếu không hành động khẩn trương, chúng ta sẽ không thể tránh được những thiệt hại nghiêm trọng xảy đến với con người và hành tinh Trái Đất.
“Với tư cách là đơn vị đồng hành và bảo trợ Dự án Sự Sống, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đánh giá rất cao mục đích tốt đẹp và ý nghĩa nhân văn của Dự án Sự Sống trong đó có tọa đàm Hành động vì môi trường biển và đa dạng sinh học hôm nay. Chúng tôi tin rằng Dự án Sự Sống nói chung và Tọa đàm hôm nay sẽ tạo ra sự lan tỏa lớn, là lời kêu gọi toàn xã hội có thái độ ứng xử hài hòa với thiên nhiên môi trường, tham gia hành động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa – lịch sử và kỳ quan thiên nhiên vô giá và không thể thay thế được cho thế hệ hiện tại và tương lai” - ông Trần Văn Mạnh nêu quan điểm.
Nâng cao pháp lý bảo vệ môi trường – sinh thái
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm, ông Hoàng Mạnh Hà – Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển, hải đảo đã được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
Năm 2022 với việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực đã thúc đẩy triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, xử lý rác thải nhựa xuống biển… thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường…nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của mỗi chúng ta.
Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 định hướng đến 2045 rất được quan tâm, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Chiến lược này đã được kết hợp, lồng ghép chặt chẽ với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo quan điểm sử dụng tổng hợp, khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển. Với khung pháp lý về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã có thể nói là vững chắc trong khu vực, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để có những hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường Hoàng Mạnh Hà đánh giá cao hình thức truyền thông mới mẻ, sáng tạo này của Dự án Sự Sống với truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường qua hơi thở nghệ thuật đương đại. Bên cạnh những giá trị văn hóa nghệ thuật, chúng ta có tọa đàm chuyên sâu cùng hành động bảo vệ môi trường của các chuyên gia để cung cấp thông tin, kiến thức cho đại biểu tham dự, quan tâm dự án và kêu gọi chung tay góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các di sản nghệ thuật, văn hoá của quốc gia. Chúng ta được tham gia trọn 1 gói trải nghiệm tri thức, trải nghiệm nghệ thuật và từ đó cùng nhau tạo ra những hành động thay đổi, những đóng góp cụ thể đầu tiên vào nỗ lực gìn giữ và bảo tồn môi trường biển tại Côn Đảo.
“Hiểu được tâm huyết, tầm nhìn của những người sáng lập dự án, Báo Tài nguyên và Môi trường - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng hành, bảo trợ truyền thông cho Dự án Sự Sống. Chúng tôi hy vọng rằng sự độc đáo, sáng tạo, hướng đi mới, hình thức mới của Dự án Sự Sống sẽ thu hút, để lại ấn tượng với những người tham dự, và lan tỏa trên các kênh truyền thông, nhằm vận động cộng đồng cùng nhau bảo tồn đa dạng sinh học, hành động vì môi trường biển, bảo vệ môi trường sự sống” - Ông Hoàng Mạnh Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề cùng tìm hướng bảo tồn và phát triển hệ sinh thái hết sức đa dạng của Côn Đảo, ông Nguyễn Khắc Pho – Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết: Đến nay đã ghi nhận trong vùng biển Vườn quốc gia Côn Đảo có 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 226 loài thực vật phù du, 143 loài động vật phù du, 360 loài san hô, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 loài thân mềm, 115 loài da gai, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển. Trong đó có 7 loài rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và trên 300 loài san hô cứng thuộc danh mục Cites. Đặc biệt Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi ấp nở và thả về thiên nhiên nhiều Rùa biển nhất Việt Nam hiện nay.
Qua đây, thấy được tiềm năng đa dạng sinh học rừng và biển; Sự phong phú đa dạng về cảnh quan thiên nhiên của Côn Đảo; vẻ đẹp hoang sơ nhưng lộng lẫy của thiên nhiên nơi đây là điểm nhấn nổi bật, hấp dẫn đã thu hút nhiều nhất sự chú ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức du lịch, lữ hành cùng với du khách trong và ngoài nước đến với Côn Đảo những năm gần đây.
Bên cạnh những tiềm năng to lớn đó, Chúng tôi hiện đã và đang đối mặt với một số nguy cơ, thách thức có thể ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn và chất lượng cuộc sống của người dân trên đảo, cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cụ thể là: Nạn rác thải đại dương những năm gần đây đã tấn công vào các bãi biển, vùng bờ, rừng ngập mặn xung quanh các đảo ngày càng nhiều hơn, mặc dù Chính quyền và chúng tôi luôn quan tâm, tổ chức thu gom xử lý hằng năm nhưng không thể nào ngăn chặn triệt để, xử lý dứt điểm tình trạng này.
“Côn Đảo là nơi có di tích lịch sử nổi tiếng, có thiên nhiên tươi đẹp, môi trường rừng, biển trong lành; du lịch ngày càng phát triển nên khách du lịch quốc tế, trong nước đến với Côn Đảo ngày càng nhiều hơn. Do đó vấn đề đặt ra là công tác bảo vệ các công trình di tích lịch sử, văn hóa trên đảo; bảo vệ môi trường thiên nhiên trên đảo ngày càng phải nghiêm ngặt hơn, cần phải có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía và cộng đồng để Côn Đảo được giữ gìn mãi mãi là một hòn đảo xanh-sạch-đẹp và bình yên” - ông Nguyễn Khắc Pho nói.
Cùng trong chương trình toạ đàm với chủ đề “Hành động vì môi trường biển đảo và đa dạng sinh học tại Việt Nam”, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đang công tác tại Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt, người được biết đến với rất nhiều bài viết phản ánh, điều tra các vụ vi phạm đến mua bán động vật hoang dã hay vấn nạn rác thải nhựa đại dương…đã có cuộc trao đổi, trò chuyện rất thẳng thắn với các chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để cùng tìm ra một số giải pháp nhằm giúp cho quá trình bảo vệ môi trường cũng như hệ sinh thái ngày một tốt hơn.
Theo các đại biểu, hiện tại điều mà chúng ta cần phải làm ngay là sớm có những quy định cụ thể về công tác xử lý vi phạm cũng như chú trọng hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ nguồn động vật hoang dã, quý hiếm để số lượng ngày một tăng lên cùng chất lượng. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động qua nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức thấy được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường gắn bó với thiên nhiên.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Toạ đàm: