Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan

Trường Giang| 07/11/2022 09:27

(TN&MT) - Sáng 7/11, Chính phủ đã trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm định dự án Luật này.

Cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

071120220825-z3860412355091_3ac114a702afaebfd51e431aeadbe0a5.jpg
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này bởi những lý do chủ yếu như: quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh. Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện…

Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong đó, 3 Hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các Hiệp định nêu trên.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 Điều, bổ sung mới 21 Điều, giữ nguyên 2 Điều, bãi bỏ 12 Điều.

Cụ thể, Luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thống nhất với các luật khác có liên quan

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Ủy ban TCNS tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

071120220804-z3860461140071_abcb232a9cca8139b8bcb0e35cb00d47.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Về tính thống nhất, Ủy ban TCNS cho rằng, Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều Luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dầu khí và nhiều luật chuyên ngành khác), do vậy, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật và thống nhất với các luật khác có liên quan.

Đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất. Trong một số lĩnh vực cụ thể, cần xác định rõ nguyên nhân vướng mắc trong từng lĩnh vực, xác định rõ nguyên nhân do quy định của Luật Đấu thầu hiện hành hay do quy định tại Luật khác có liên quan hoặc Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành để quy định trong Luật phù hợp. Bên cạnh đó, cần xác định rõ nguyên tắc các luật khác khi quy định những nội dung liên quan đến quản lý Nhà nước về đấu thầu phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong Luật Đấu thầu.

071120220820-z3860414353913_b1525bb4be915e136b72edf7b41b7db7.jpg
Quang cảnh phiên họp ngày 7/11

Về tính cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban TCNS nhận thấy, trong quá trình 8 năm thực hiện, hệ thống văn bản hướng dẫn về thi hành Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư là khá lớn với 8 Nghị định, 23 Thông tư, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật là cần luật hóa tối đa các quy định hiện hành đã áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, giảm thiểu số lượng các văn bản dưới luật được ban hành. Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 98 Điều. Trong đó, so với Luật hiện hành: sửa đổi, bổ sung: 75 Điều; bỏ 12 Điều; bổ sung mới 21 Điều; giữ nguyên 2 Điều. Dự thảo Luật còn 15 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật, đồng thời, làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO