Trong nước

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả

Thanh Tùng 03/06/2024 - 16:31

Chiều 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung về tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn

Trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012. Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “người làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam” để bảo vệ nhóm yếu thế này, đồng thời, bổ sung vấn đề gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; mối quan hệ phối hợp hoạt động và vấn đề chia sẻ kinh phí công đoàn với tổ chức này.

1(1).jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Dự án luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thể chế hoá sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tổ chức công đoàn. Dự án luật được xây dựng phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam; tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ở nước ta…

So với Luật Công đoàn 2012, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu như sau: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

2(2).jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng trình bày một số vấn đề trong dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau. Theo đó, về quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, có ý kiến cho rằng việc “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” gia nhập Công đoàn Việt Nam không nên “do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định” và mở ra nhiều hướng kể cả việc “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” và tổ chức Công đoàn liên kết để hoạt động.

Quán triệt, thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW “thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, khoản 3 Điều 172 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn”.

“Theo tinh thần các văn bản nêu trên, thì “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” chỉ gia nhập chứ không phải liên kết với Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đề nghị theo phương án như dự thảo Luật đã thể hiện”, ông Nguyễn Đình Khang cho biết.

Tán thành sự cần thiết và các quan điểm xây dựng luật

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thêm, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật như: Làm rõ khái niệm “tài sản công đoàn” và mối quan hệ giữa “tài sản công đoàn“ với “tài sản công“ trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cụ thể hóa trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động...

3(2).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra về dự án Luật

Về Hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Xã hội hoan nghênh Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện một bước dự án. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục quan tâm về Hồ sơ dự án Luật, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến, cụ thể: Thực hiện đúng theo tinh thần Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3487/TB-TTKQH ngày 09/4/2024; Bổ sung đầy đủ thông tin, nội dung trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo rà soát Luật Công đoàn với các Luật hiện hành, dự thảo văn bản quy định chi tiết;…

Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội cho rằng, việc bổ sung quy định này cơ bản phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và quy định về việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập công đoàn tại khoản 3 Điều 172 của Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chỉ nên thực hiện thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá mới có căn cứ, cơ sở để luật hóa cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất một số nội dung đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận như: Về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam (Điều 1); Phạm vi điều chỉnh (Điều 2); Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5) và gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6); Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam (Điều 8); Thanh tra, kiểm tra và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam (các điều 15 và 17); Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 27); Vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, tài sản công đoàn (các điều 29, 30 và 31); Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn (Điều 32)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO