Dự án nghìn tỷ dang dở đến bao giờ?
Hà Nội đang trải qua những ngày mưa bão, kéo theo đó là tình trạng ngập lụt kéo dài ở nhiều khu vực nội đô. Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là một trong những công trình chống ngập trọng điểm của Hà Nội, được đầu tư trên 4.700 tỷ, khởi công từ cuối năm 2015.
Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020, qua 2 lần điều chỉnh, thời gian hoàn thành dự án được kéo dài hết năm 2022. Hiện công trình trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành xong 2 năm nhưng kênh dẫn vẫn thi công ngổn ngang. Đây là một trong những “bi kịch” khi nước sông Nhuệ dâng cao gây ngập các khu vực lân cận, còn trạm bơm tiêu Yên Nghĩa lại rơi vào tình trạng “khát nước”. Được biết, hiện tại trạm bơm chỉ hoạt động 30% công suất, dẫn tới không phát huy vai trò chống ngập.
Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT Hà Nội, đại diện chủ đầu tư là Ban duy tu các công trình NN&PTNT. Trao đổi với phóng viên, cán bộ Ban duy tu các công trình NN&PTNT thừa nhận dự án hiện đang chậm tiến độ. Lý giải về công tác thi công dang dở tại dự án kênh La Khê, vị cán bộ này cho biết, công trình chưa thể triển khai do vướng mắc GPMB nên tạm dừng thi công và hiện đã triển khai khơi thông dòng chảy cho lòng kênh.
Theo Báo cáo số 330/BC-BDT của Ban duy tu các công trình NN&PTNT về tình hình công tác GPMB của dự án, huyện Hoài Đức đã bàn giao 100%, còn tại quận Hà Đông, tổng diện tích cần thu hồi là 307.358,7m2 nhưng đến nay mới bàn giao được 162.797,9m2, thiếu 144.560,8m2 liên quan đến 593 tổ chức, gia đình và 59 công trình hoa màu khác.
Báo cáo nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, UBND quận Hà Đông vẫn chưa bàn giao thêm cho Ban Duy tu diện tích mới kể từ tháng 9/2016 để tiếp tục thi công. Để dự án hoàn thành trong năm 2022 theo yêu cầu của thành phố, Sở đã đề nghị quận Hà Đông đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Vị cán bộ Ban Duy tu cho biết thêm: “Một tháng Sở tối thiểu họp 3 buổi về công tác GPMB với UBND quận Hà Đông và còn rất nhiều cuộc họp, hội nghị khác nữa. Tháng nào cũng họp để đôn đốc, chỉ đạo công tác này”.
Tiếp tục chờ “mặt bằng sạch”
Nút thắt khiến dự án nghìn tỷ Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa chậm tiến độ là do công tác GPMB tại quận Hà Đông. Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, bà Phạm Thị Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông lý giải: Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, đến năm 2015 dự án đã xong giai đoạn 1 là hết hạn thời gian thực hiện dự án. Đến năm 2019, TP. Hà Nội có quyết định gộp giai đoạn 1 với giai đoạn 2. Năm 2019 mới có quyết định phê duyệt giá đối với các vị trí hiện nay đang thực hiện công tác GPMB. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2019 là không có thời gian cho thực hiện dự án bởi dự án đã hết hạn thực hiện nên không có việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Bà Thảo nhận định, quận vẫn đang làm theo quy trình, vẫn đang trong thời hạn thực hiện GPMB của dự án.
Bà Thảo nhấn mạnh: “Từ năm 2016 đến năm 2019 là không có thời gian thực hiện dự án bởi vì dự án đã hết hạn thực hiện. Về nguyên tắc thực hiện GPMB dự án nằm trong thời gian thực hiện, trong quyết định chủ trương đầu tư thì mới thực hiện được”.
Khi phóng viên đề nghị cung cấp văn bản liên quan đến tiến độ công tác GPMB, bà Thảo viện lý do: Có rất nhiều văn bản liên quan nên không đếm được do mỗi lần có vướng mắc trong công tác đều tổ chức họp để giải quyết ngay và không cung cấp hồ sơ. Đối với 652 trường hợp bị thu hồi đất để thực hiện dự án, bà Thảo cho biết sẽ thực hiện giải quyết theo kiểu “cuốn chiếu” đồng loạt với tất cả các trường hợp này và phấn đấu đến quý III/2022 hoàn thành bàn giao tối thiểu 85% mặt bằng theo như chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận.
Bên cạnh đó, ngày 22/5/2017, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 2912/QĐ-UBND về đẩy mạnh công tác GPMB của dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP. Hà Nội tại quận Hà Đông, nhưng giai đoạn 2016 - 2019, theo như Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận trao đổi với phóng viên ngày 12/7/2022, quận Hà Đông lại “tạm gác” công tác GPMB lại do hết thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1?! Thật khó hiểu.
Đến nay tiến độ thực hiện công trình nghìn tỷ vẫn đang dang dở, rơi vào trạng thái "khát nước" và khi cần thiết tiêu úng ngập cho TP. Hà Nội thì không thể thực hiện.
Thiết nghĩ, UBND TP. Hà Nội, Sở NN&PTNT, UBND quận Hà Đông cần nghiêm túc vào cuộc đẩy nhanh tiến độ GPMB, tránh tình trạng kéo dài gây thất thoát và lãng phí tiền ngân sách, gây bức xúc cho người dân.