Báo cáo tại buổi họp, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Dự án CBISC được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chương trình phát triển liên hợp quốc. Trong đó, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là chủ toàn bộ Dự án, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Dự án thành phần và Dự án nhận sự tài trợ hoàn toàn từ nguồn vốn ODA của UNDP.
Với mục tiêu nâng cao năng lực thể chế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các đầu mối về biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành và các địa phương liên quan; Tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật trong xây dựng và thực hiện các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan Trung ương, địa phương và cộng đồng… Trong 4 năm thực hiện (tháng 9/2014 - 9/2018), Dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là hỗ trợ xây dựng Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), đồng tài trợ với dự án Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam do GIZ tài trợ. INDC Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham vấn rộng rãi với các Bộ, ngành, các đối tác phát triển và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua để nộp cho UNFCCC vào tháng 9/2015. Cùng INDC của các nước, INDC của Việt Nam đã góp phần để các Bên xem xét, nhất trí thông qua Thoả thuận Paris tại COP21.
Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu (PIPA), gồm 5 nhóm nhiệm vụ, 68 nhiệm vụ cụ thể với 3 mức độ ưu tiên thực hiện đến năm 2020 và 2030. PIPA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 và là định hướng ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam đến 2030.
Trong thời gian thực hiện, Dự án đã hỗ trợ các hoạt động tăng cường năng lực đàm phán như xây dựng đề án đàm phán 2014-2015 làm cơ sở cho thành viên đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP); một số phiên họp cấp cao do Thủ tướng Chính phủ chủ trì và một loạt các sự kiện bên lề với các chủ đề đa dạng nhằm giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Dự án đã hỗ trợ tổ chức 3 Hội thảo tham vấn với các bộ ngành và địa phương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Dự án cũng hỗ trợ chuyên gia xây dựng Báo cáo đặc biệt về Cực đoan khí hậu (SREX). Đây là những phân tích khoa học có sự hợp tác lớn đầu tiên về biến đổi khí hậu của hơn 40 nhà khoa học đến từ 20 cơ quan nghiên cứu của Việt Nam.
Dự án hỗ trợ một phần trong việc xây dựng Luật Khí tượng Thuỷ văn. Luật được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015 đã tạo ra khung pháp lý, là bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV. Gần đây nhất là hỗ trợ rà soát, cập nhật NDC, đây là nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về BĐKH giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, các đối tác phát triển thực hiện ngay sau khi Thoả thuận Paris có hiệu lực và INDC chính thức trở thành NDC của Việt Nam. Dự án CBISC hỗ trợ các tư vấn về thích ứng biến đổi khí hậu, đồng lợi ích của các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng, mô hình đánh giá tác động kinh tế xã hội của các biện pháp giảm nhẹ và một nửa kinh phí tổ chức các hội nghị, kỳ họp kỹ thuật tập trung để các tư vấn xây dựng hợp phần giảm nhẹ và thích ứng của ngành..
Đề án Xây dựng Khung chính sách phát triển nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu (CSA) do Dự án CBICS-MARD hỗ trợ. Đề án đánh giá khả năng tích hợp CSA vào các chương trình, chiến lược phát triển chung của ngành, Phân tích, xác định một số công cụ tài chính và đầu tư cần thiết cho phát triển CSA, đánh giá năng lực khoa học, nhân lực cũng như nhận thức cho phát triển CSA - Định hướng các nhiệm vụ đào tạo, hợp tác quốc tế và hợp tác công tư để tăng cường năng lực áp dụng CSA cho nông nghiệp của Việt Nam, Hướng dẫn xây dựng và thực hiện một số cơ chế giám sát, đánh giá trong phát triển, áp dụng CSA. Ngoài ra hợp phần do Bộ Nông nghiệp phụ trách của Dự án còn giúp tổ chức nhiều cuộc họp điều phối về ứng phó với BĐKH trong nông nghiệp.
Mặc dù dự án không huy động được toàn bộ kinh phí ban đầu theo Văn kiện được phê duyệt, nhưng với sự phối hợp với nguồn lực của GIZ và nguồn lực trong nước nên một số hoạt động như xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định, rà soát cập nhật NDC, xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH vẫn hoàn thành được theo mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định: Dự án Tăng cường năng lực thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó đã góp phần hỗ trợ về thể chế, chính sách nâng cao năng lực, nhận thức về Biến đổi khí hậu cho các chuyên gia, cấp chính quyền cũng như người dân. Từ các kết quả của dự án đã tạo tiền đề cho sự tiếp cận các dự án khác trong ứng phó với BĐKH của Việt Nam với Thế giới. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng đề nghị Ban quản lý dự án cần tập trung nêu rõ các kết quả đã đạt được của các tiểu dự án để từ đó tổng hợp, báo cáo hoàn chỉnh các nội dung.