Cây cầu Hà Tân bắc qua sông Bàn Thạch, một nhánh của hạ lưu sông Thu Bồn, nối liền con đường DH4 huyết mạnh của 3 xã vùng Đông huyện Duy Xuyên gồm Duy Thành, Duy Phước, Duy Vinh và Cẩm Kim của TP. Hội An, đã có hơn 25 năm tuổi. Trước đây, nó được xây dựng bằng bê tông, kiên cố hẳn hoi, nhưng với trọng tải chỉ chưa đầy 8 tấn, bao nhiêu năm qua, phải oằn mình cõng không biết bao nhiêu lượt phương tiện, hàng hóa… quá tải.
Đồng thời, do không được duy tu sửa chữa kịp thời, gặp phải sự tàn phá của thiên nhiên vùng nước ngập mặn, nó đã gãy gập vào một ngày mưa bão vào tháng 10/2017. Thấy rõ được tầm quan trọng của cây cầu, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, phải khẩn trương xem xét, khắc phục sửa chữa cây cầu… UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo ngành giao thông, khẩn trương xem xét, tìm phương án sửa chữa cầu, hoặc xây dựng cây cầu mới.
Đã có nhiều thông tin, nào là sẽ sửa chữa nâng cấp lại cây cầu, nào là sẽ xây dựng lại cầu mới trong tháng 6/2018… Nhưng đến tận ngày 7/6/2018, UBND tỉnh Quảng Nam mới có Quyết định 1778, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Cầu Hà Tân, huyện Duy Xuyên.
Quyết định nêu rõ: Dự án cầu Hà Tân, chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên. Mục tiêu đầu tư: Khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2017 gây ra, kịp thời ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng nối huyện Duy Xuyên với TP. Hội An và các khu lân cận khác thuộc xã Duy Vinh; khắc phục được tình trạng hạn chế tải trọng cho phép, tạo tiền đề để hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ, đường thủy trong khu vực và vùng lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng… Nội dung và quy mô đầu tư: Quy mô công trình vĩnh cửu. Tổng mức đầu tư 49 tỷ 964 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 20 tỷ, ngân sách tỉnh 15 tỷ, còn lại là ngân sách huyện Duy Xuyên. Thời gian thực hiện từ năm 2018-2020. Dự kiến dự án sẽ được triển khai thực hiện tháng 8/2018.
Ông Nguyễn Sáu cho biết, theo thông tin từ tỉnh, dự án vẫn chưa thể triển khai do còn vướng mắc khâu thẩm định thiết kế từ ngành chức năng là Sở Giao thông vận tải. Hơn nữa, hiện nay cũng chưa thực hiện thủ tục đấu thầu rằng đơn vị nào sẽ thi công, rồi còn biết bao thủ tục nữa, chẳng biết đến bao giờ thì dự án mới bắt đầu thực hiện?.
Thông tin sẽ xây cây cầu mới là niềm háo hức, phấn khởi chờ đón của gần 15 nghìn hộ dân ở Duy Vinh, cùng hàng trăm nghìn người dân ở vùng Đông Duy Xuyên, nhưng đến giờ phút này thì chắc người dân nơi đây lại phải chịu thêm cảnh “đò ngang cách trở” một mùa mưa nữa.
Từ trước Tết Mậu Tuất năm 2018, UBND xã Duy Vinh đã phải lấy từ tiền ngân sách 450 triệu đồng để mua vật liệu, bắc một cây cầu gỗ cho người dân đi lại tạm qua sông Bàn Thạch. Ông Sáu bảo, đó chỉ là biện pháp tạm thời, hàng ngày cây cầu tròng trành, gánh chịu hàng nghìn lượt người và xe máy, xe thô sơ rầm rập qua lại. Chưa xảy ra tai nạn, nhưng cũng cảm thấy bất an về sự an toàn, sáng nào lực lượng CA xã cũng phải phân công một tổ công tác chốt giữ 2 đầu cầu, không để người dân chen lấn xô đẩy khi qua cầu.
Chúng tôi hỏi, đến mùa mưa lũ, cây cầu này có đi lại được không ?. Ông Sáu lắc đầu “Không thể được, xã đã tính sắm một con đò để đưa người dân qua sông, nhưng để mua một con đò máy đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường thủy bây giờ cũng phải vài tỷ đồng, như vậy là không thể…!”. Vấn đề xây dựng nông thôn mới năm 2019 của xã cũng “tạm dẹp” sang một bên rồi, Duy Vinh đã đăng ký hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, năm 2018 đã hoàn thành 16/19 tiêu chí. Nhưng đến hiện tại, xã còn 37 ngôi nhà chính sách cho gia đình thương binh liệt sĩ cần sửa chữa và xây dựng mới, 15 ngôi nhà phòng chống bão lũ, 5 km kênh mương, đường giao thông nội đồng cần bê tông hóa…
Năm học mới đã khai giảng, nhưng 1,4 ha mặt bằng trường mẫu giáo cần san lấp, 12 phòng cần xây mới… Nhưng cây cầu gãy, giá cả vật liệu tăng vọt, nay đành phải dừng hết lại, vì kinh phí đã đẩy xa định mức… Vấn đề gay go nhất bây giờ là lại phải chuẩn bị tháo gỡ cây cầu gỗ tạm, nếu không mùa mưa đến sẽ vô cùng nguy hiểm… Rồi hết mùa mưa lại phải mua vật liệu cũng tốn gần bằng số tiền đã làm cây cầu tạm trước đó, để làm cây cầu tạm mới cho người dân qua sông. “Nhắc đến chuyện chi cũng thấy bí…!”- ông Sáu than cùng chúng tôi.
Ông Nguyễn Sáu thắc mắc, Quyết định của UBND tỉnh có rồi, nguồn vốn cũng có rồi, chẳng hiểu sao người ta cứ lần lữa hết lần này tới lần khác, mà cái quan trọng là mùa mưa lũ tới nơi rồi, cây cầu Hà Tân bao giờ làm, còn phải đợi mấy mùa mưa nữa?