Đồng xử lý các nguyên liệu thay thế trong ngành công nghiệp xi măng tại Việt Nam

Đàm Trung - Đức Tâm| 29/09/2022 14:50

Sáng 29/9/2022 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF) phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã tổ chức Hội thảo Đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô trong ngành xi măng tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng, cũng như các kết quả của cuộc trình diễn sử dụng chất thải nhựa không thể tái chế tại nhà máy INSEE ở Hòn Chông, Kiên Giang thời gian gần đây, từ đó thảo luận về tiềm năng đồng xử lý trong tương lai của ngành xi măng Việt Nam.

z3759193588346_3cd96f928237b897fa996de44db620e8.jpg
Toàn cảnh của buổi hội thảo 

Tiến sĩ nhà khoa học Kåre Helge Karstensen của SINTEF, người đứng đầu Dự án OPTOCE cho biết: “Ngành công nghiệp xi măng hiện đang sử dụng khối lượng lớn than và các nguyên liệu thô khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ lượng nhiên liệu này này bằng chất thải nhựa không thể tái chế.

Mặc dù đồng xử lý đang được áp dụng rất phổ biến ở châu Âu và Na Uy, nhưng giải pháp này còn chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, chỉ có một số ít các nhà máy xi măng hiện đang thực hiện đồng xử lý chất thải.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Đức Long, VNCA cho biết “Việt Nam có 82 lò nung clanhke đang hoạt động, mỗi năm tiêu thụ trên 10 triệu tấn than antraxit. Hiện nay tỉ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trong toàn ngành rất thấp. Chính phủ Việt Nam có chủ trương tăng lượng sử dụng nhiên liệu thay thế lên mức 15% từ nay đến 2030 và 30% sau năm 2030. Như vậy, tiềm năng đồng xử lý chất thải, trong đó có nhựa không tái chế được, trong lò nung xi măng ở Việt Nam là rất lớn”.

z3759204610204_264792bade8ef5c9acd670ba9e0abe1c.jpg
Đại diện của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội

Bên cạnh đó, Hội thảo đã trao đổi một số thách thức đối với các doanh nghiệp như gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho đồng xử lý, kèm theo đó là sự thiếu vắng các đơn vị chuyên thực hiện việc thu gom, xử lý sơ bộ chất thải và cung cấp đến nhà máy xi măng, một số bất cập về thủ tục pháp lý, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp xi măng áp dụng phương pháp này cũng như các doanh nghiệp thu gom, sơ chế chất thải trong chuỗi cung ứng liên quan.

Hội thảo thực sự là diễn đàn hữu ích để các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ bộ, ngành và địa phương, các công ty xi măng, các công ty có nguồn chất thải nhựa không thể tái chế và các tổ chức phi chính phủ chia sẻ thông tin về tiềm năng, thuận lợi và khó khăn khi áp dụng đồng xử lý chất thải tại Việt Nam.

Thông qua hội thảo, các đại biểu mong muốn chính phủ Việt Nam sớm có được hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi để ngành công nghiệp xi măng có thể thực sự trở thành một đối tác quan trọng góp phần tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn. Nguồn chất thải rắn phù hợp và ổn định cung cấp cho quá trình đồng xử lý cần được quy hoạch, thu gom, vận chuyển và lưu trữ phù hợp trong điều kiện của Việt Nam. Vì thế, các công ty xi măng cũng rất cần sự hỗ trợ về mặt khoa học, kỹ thuật và nguồn nhân lực, vật lực cũng rất cần thiết cho các công ty xi măng để sớm triển khai áp dụng đồng xử lý tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng xử lý các nguyên liệu thay thế trong ngành công nghiệp xi măng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO