Theo đó, tổng cá được thả về môi trường tự nhiên với số lượng là 3,5 tấn; trong đó, cá hô bố mẹ 50kg, cá tra bố mẹ 100kg, cá rô 2 tấn, cá trê giống vàng lai 20kg, cá chép giống 20kg, còn lại là cá tra giống.
Phát biểu tại buổi lễ thả cá, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Hoạt động thả cá giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản là một trong những biện pháp nhằm phục hồi, tái tạo lại quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm. Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng.
Hàng năm, hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn thủy sản được các địa phương tổ chức, tập trung vào các ngày như: Ngày truyền thống ngành Thủy sản, Ngày Môi trường thế giới, dịp lễ Vu Lan, Phật Đản… đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức. Bên cạnh hoạt động thả cá giống tái tạo của các cơ quan chuyên môn, thả cá giống phóng sinh các loài thủy sản cũng được người dân Việt Nam thực hiện từ bao đời nay. Đây là một nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tiếp nối thành công của Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017-2020, ngày 20/12/2021 Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ NN&PTNT) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025. Việc phối hợp này đã góp phần huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước về công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tại buổi lễ thả cá, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành thủy sản và toàn thể người dân hãy chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản cho chúng ta và cho cả thế hệ mai sau. “Tôi mong rằng, với các hành động thiết thực, quyết liệt và đồng lòng của các cấp chính quyền và toàn thể người dân, nguồn lợi thủy sản trên cả nước sẽ được phục hồi, tái tạo và phát triển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã phối hợp cùng với UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh An Giang và Bộ NN&PTNT thả hơn 5 tấn cá và hơn 600.000 con cá giống các loại xuống sông Hậu, trong đó có nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm về với thiên nhiên. Theo kế hoạch, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh Đồng Tháp - An Giang – TP Cần Thơ trên sông Hậu sẽ được tổ chức liên tục từ năm 2022 đến năm 2025.
Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hướng tới mục tiêu quản lý nguồn lợi thủy sản hiệu quả hơn, bảo đảm cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.