(TN&MT) – Những năm qua, tình trạng sạt lở ven sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra ngày càng nghiêm trọng, với qui mô, mức độ sạt lớn, đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất mà còn tác động không nhỏ đến đời sống và sinh kế của hàng nghìn hộ dân ở địa phương.
Diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có tổng chiều dài dòng sông là 157km, trong đó sông Tiền dài 123km và sông Hậu dài 34km. Tình hình sạt lở bờ sông những năm gần đây hết sức phức tạp gây ra nhiều thiệt hại. Hàng năm, lũ thượng nguồn sông Mê-Kông đổ về dòng chảy xiết với lưu tốc >2m/s áp sát vào bờ tại các vị trí đoạn sông cong, tạo hàm ếch gây sạt lở.
Sạt lở ăn sâu vào đất liền có nơi từ 20 đến 30 mét |
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2005-2016, sông Tiền có tổng chiều dài 123km thì có đến 101km đường bờ sông bị xói lở (chiếm hơn 80% tổng chiều dài dòng chính). Trong giai đoạn này, dọc tuyến bờ sông tỉnh Đồng Tháp mất tổng cộng 292ha đất do nước cuốn trôi; thiệt hại do xói lở đất, nhà cửa và di dời dân tước tính khoảng 320 tỷ đồng.
Riêng năm 2017, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần cả trăm vụ sạt lở tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Châu Thành, Tam Nông và thị xã Hồng Ngự, với tổng chiều dài sạt lở 38.371m, sạt ăn sâu vào đất liền có nơi từ 20-30m, diện tích sạt lở 102.432m2. Sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên thiệt hại về vật chất ước tính khoảng gần 20 tỷ đồng, trong đó có 1.586 nhà bị ảnh hưởng, 1.577 ngôi nhà buộc phải di dời khẩn cấp.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, trước tình hình sạt lở rất nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, để hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân trong vùng sạt lở, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành, địa phương cấm biển báo vành đai sạt lở, thông báo rộng rãi đến người dân biết để phòng thủ; tập trung theo dõi mọi diễn biến, có phương án sẳn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nhận định về nguyên nhân sạt lở, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, sạt lở là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra xói lở là chủ yếu. Sạt lở thường xảy ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.
Ngoài ra, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động của con người như khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thủy sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông cũng làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ. Bên cạnh, các phương tiện giao thông đường thủy chạy với tốc độ lớn dẫn đến hiện tượng xói lở cục bộ. Đồng thời, do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thủy điện thượng nguồn cũng có những tác động đến quá trình xói lở.
Những giải pháp ứng phó kịp thời
Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, để đánh giá toàn diện và có biện pháp xử lý kịp thời đối với tình hình sạt lở xảy ra liên tục và ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn trong thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát thực tế toàn bộ các điểm sạt lở nguy hiểm trên toàn tỉnh, để làm cơ sở đánh giá, đồng thời chọn lựa các địa điểm thích hợp để xây dựng các cụm, tuyến dân cư; khẩn trương di dời người dân vào nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản của các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở.
Qua kết quả kiểm tra thực tế, hiện nay tỉnh Đồng Tháp có 4.077 hộ nằm trong vành đai sạt lở ở cự ly từ 0-60m; trong đó có 2.440 hộ dân trong cự ly từ 0-30m thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao, nhiều nhất là huyện Hồng Ngự có 850 hộ và huyện Thanh Bình có 790 hộ.
Nhiều khu vực ven sông thuộc Đồng Tháp được đầu tư xây dựng đê kè kiên cố, chống xói lở |
Trước tình hình sạt lở rất nghiêm trong, mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt phương án xây dựng công trình xử lý sạt lở khẩn cấp trên địa bàn huyện Thanh Bình, giai đoạn 1. Công trình có chiều dài 600m, chủ yếu là kè bảo vệ bờ, nhằm phòng chống sạt lở bờ sông Tiền để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống của nhân dân trong vùng. Tổng kinh phí gần 73 tỷ đồng, trong đó nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 là 35 tỷ đồng, nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2018 và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là gần 38 tỷ đồng.
“UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để khắc phục tình hình sạt lở đoạn nguy cơ sạt lở rất cao, chiều dài 1.700m thuộc huyện Thanh Bình, với kinh phí 172 tỷ đồng; đồng thời tiến hành xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân đang nằm trong vành đai nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao, kinh phí thực hiện khoảng 656 tỷ đồng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng thông tin thêm.
Bài, ảnh: Bạch Thanh