Đông Nam bộ: Nguy cơ "hà bá" nuốt chửng nhà dân

31/07/2016 00:00

(TN&MT) - Những tháng qua, tình hình sạt lở bờ sông Đồng Nai đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân dọc hai bờ sông; trong đó nạn "cát tặc" được...

 

(TN&MT) - Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn các thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương); huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai)…, với chiều dài khoảng 60km. Những tháng qua, tình hình sạt lở bờ sông Đồng Nai đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân dọc hai bờ sông; trong đó nạn “cát tặc” được “điểm mặt” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn nhà dân đổ sập xuống dòng sông Đồng Nai.

Gần chục ngôi nhà ở xã Tân An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có nguy cơ rơi xuống sông Đồng Nai vì “sa tặc”
Gần chục ngôi nhà ở xã Tân An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có nguy cơ rơi xuống sông Đồng Nai vì “sa tặc”

Nơm nớp lo sập nhà

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, hiện nay, sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn thị xã Tân Uyên có 6 điểm sạt lở, huyện Bắc Tân Uyên có 11 điểm sạt lở; chiều dài mỗi điểm sạt lở từ 10 - 100m, chiều rộng sạt lở về phía bờ từ 3 - 15m. Tình trạng sạt lở làm mất nhiều đất sản xuất của các hộ dân thuộc tại các xã Lạc An, Thường Tân và Tân Mỹ của huyện Bắc Tân Uyên; xã Thạnh Hội, phường Khánh Bình của thị xã Tân Uyên.

Bà Dương Thị Sen, người dân sống lâu năm tại xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên) bộc bạch sự lo lắng: “Gia đình tôi ở vùng này đã lâu lắm rồi, từ năm 2015 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông khiến vườn tược, nhà cửa của bà con nông dân trong vùng đổ sập xuống sông. Đi không được mà ở cũng không xong, nhiều đêm vợ chồng, con cái ngủ không được. Khi dòng sông Đồng Nai đã khoét sâu vào đất liền thì sớm muộn căn nhà nhỏ của gia đình tôi cũng sẽ bị rơi xuống nước”.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, trong vụ sạt lở đất vào cuối tháng 6 vừa qua, tường và nền của gần 10 hộ dân trên địa bàn ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) đã bị xé vỡ, cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Trước đó, sau các trận mưa lớn, bờ đất sát mé sông Đồng Nai có dấu hiệu sụt lún, người dân đã chủ động chuyển ra khu vực phía ngoài của ngôi nhà, cách xa bờ sông, nơi ít bị ảnh hưởng hơn để sinh hoạt. Cũng nhờ bà con dự đoán được tình huống xấu nên chưa xảy ra thương tích về người, mà chỉ bị thiệt hại về tài sản. Nhưng với nhiều người, đây là lần sạt lở đất nghiêm trọng nhất sau nhiều năm, khiến ai nấy đều “đứng tim”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online, nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Đồng Nai là do dòng chảy và tình trạng bơm hút cát “lậu” trên sông. Bà con nông dân ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thời gian qua vẫn còn một số người dân địa phương và từ các huyện khác lén lút khai thác cát trái phép vào ban đêm nên bờ sông tiếp tục bị sạt lở. Nỗi khổ của các hộ dân trong lúc này là ngoài việc làm sao có đủ tiền xây nhà mới, thì các hộ phải “chịu trận” với tình cảnh “hà bá” có thể uy hiếp nhà cửa; một khi bờ sông xâm thực sẽ cuốn theo đất đai, nhà cửa, của cải, thậm chí là tính mạng nếu không được di dời kịp thời. Bởi lúc này vùng Đông Nam bộ mùa mưa vẫn còn kéo dài, mực nước dâng cao trên sông kéo theo sự bất an tăng lên từng ngày.

Mạnh tay với “sa tặc”

Việc di dời dân tránh nguy cơ nhà cửa đổ xuống sông Đồng Nai đang được xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cấp tập triển khai. Lãnh đạo UBND xã Tân An cho biết, địa phương đã tiến hành cấp đất cho những hộ dân bị hư hỏng nhà cửa trong đợt sạt lở đất nghiêm trọng hồi cuối tháng 6/2016. Tuy nhiên, vấn đề di dời những hộ bị ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai còn lại hiện chưa có chủ trương, mà phải chờ kế hoạch từ UBND huyện Vĩnh Cửu. Ngoài các hộ dân đồng ý chuyển đi nơi khác ở, vẫn có trường hợp không muốn di dời vì lo không đủ khả năng xây dựng nhà mới.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, triển khai công tác di dời dân, đến cuối tháng 7 đã có 8 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nạn sạt lở đất ở xã Tân An được giao đất ở tại khu vực tái định cư mới. Những phần đất bị giải tỏa, UBND huyện sẽ giao cho UBND xã Tân An quản lý, và xã sẽ trồng cây xanh để chống xói mòn, sạt lở. Huyện đang lập thủ tục cho việc xây nhà mới 8 hộ dân này. Về lâu dài, đối với những hộ còn lại, UBND huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai lập dự án để di dời, tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.

Về phía tỉnh Bình Dương, để khắc phục và hạn chế việc sạt lở bờ sông làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Tân Uyên và UBND thị xã Tân Uyên tăng cường công tác tuần tra để xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác cát “lậu”; kiểm tra, đình chỉ và nghiêm cấm người dân không xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc trong phạm vi hành lang sông Đồng Nai.

Vào lúc này, cần phải khẳng định rằng việc nhà cửa, đất đai của người dân hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai rơi xuống sông Đồng Nai do nạn “sa tặc” là rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, các cấp chính quyền hai tỉnh cần mau chóng ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép với quy mô lớn, đồng thời có kế hoạch xây dựng khu tái định cư để di dời những hộ có nhà nằm gần bờ sông.

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam bộ: Nguy cơ "hà bá" nuốt chửng nhà dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO