Đông Nam bộ: Đông đảo người đi lễ chùa đầu xuân

28/02/2015 00:00

(TN&MT) - Tại vùng Đông Nam bộ, nhiều đình, đền, chùa đã trở thành điểm lựa chọn dừng chân không thể thiếu của du khách mùa lễ hội.

   
   
(TN&MT) - Đầu xuân đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Tại vùng Đông Nam bộ, nhiều đình, đền, chùa đã trở thành điểm lựa chọn dừng chân không thể thiếu của du khách mùa lễ hội.
   
   
  Như mọi năm, lượng khách hành hương về chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đông dần từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết ngày Rằm tháng Giêng. Sau đó, lượng khách vãn dần cho đến hết tháng Giêng. Cao điểm là ngày rước cộ Bà với hàng trăm ngàn người tham gia. Mùng 10 Tết, người dân khắp nơi trong nước đã về đây lễ chùa.
   
  Trưởng Ban tổ chức lễ hội, ông Lý Lai Phát, Trưởng bang Phúc Kiến cho biết, công tác trật tự trong mùa lễ hội Rằm tháng giêng được tăng cường. Trong khuôn viên chùa lắp đặt 8 camera. Lực lượng bảo vệ được hợp đồng với Công ty Vệ sĩ Đồng Tâm Hiệp Lực. Ban tổ chức còn thành lập các tổ vệ sinh, trang bị thêm bình chữa cháy, cấm bán chim phóng sinh trong sân chùa. Những ngày cao điểm sẽ sắp xếp bàn bán vé số, tránh tình trạng giật giọc, chèo kéo khách.
   
  Tính từ mùng 1 Tết đến nay, chùa Bà thu hút khoảng 10.000 khách hành hương mỗi ngày. Lễ hội chùa Bà năm nay diễn ra với các nội dung chính kể cả phần lễ và phần hội như: Lễ thay áo cho Bà, các nghi thức cúng kiếng, đấu giá 9 lồng đèn và rước cộ Bà qua các trục đường ở chợ Thủ Dầu Một trước khi quay lại chùa. Năm nay, hơn 40 đoàn lân sư rồng biểu diễn nghệ thuật và cùng đoàn rước cộ theo suốt hành trình. Số tiền đấu giá lồng đèn và tiền cúng chùa của khách hành hương sẽ dành làm việc từ thiện, khuyến học, tu sửa chùa, kinh phí tổ chức lễ hội.
   
  Trong khi đó tại Đồng Nai, thành phố Biên Hòa là địa phương có mật độ các đình, miếu và chùa được đánh giá là nhiều nhất tỉnh. Trong số những địa điểm được du khách tìm đến tham quan, dâng hương ở Biên Hòa phải kể đến 3 ngôi chùa cổ xuất hiện lâu đời và sớm nhất trong tỉnh, gồm: chùa Long Thiền, chùa Đại Giác và chùa Bửu Long.
   
  Theo ông Lương Toàn Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, Lễ hội chùa Ông (còn gọi là Thất phủ cổ miếu, di tích văn hóa cấp quốc gia) năm nay sẽ kéo dài trong 3 ngày: từ ngày 28/2 đến ngày 2/3 (tức là từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng) với các hoạt động phong phú như: dâng hương lên các vị thần linh để cầu mong mưa thuận gió hòa, biểu diễn lân - sư - rồng, thả đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai...
   
  Ngoài thành phố Biên Hòa, nhiều đình, đền và chùa ở các địa phương khác trong tỉnh Đồng Nai cũng thu hút một lượng không nhỏ du khách tìm đến tham quan, như: chùa Long Thới (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh); chùa Bảo Ân (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc), thiền viện Thường Chiếu (huyện Long Thành), đình Long Chiến, đình Tân Huệ (huyện Vĩnh Cửu)… và đặc biệt là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc).
   
                                                                                      Bài & ảnh: Thục Vy
   
           
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam bộ: Đông đảo người đi lễ chùa đầu xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO