Đồng Nai: Nông dân sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 9/ 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Đồng Nai đạt 64,7 triệu đồng/người/năm, tăng 25% so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, đến nay còn dưới 0,09%.
Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn dưới 0,09%
Thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX tỉnh... Hàng loạt hoạt động được phối hợp tổ chức, như: chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề, khuyến nông, chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình, dự án phát triển cây con chủ lực của tỉnh theo tiêu chuẩn VietGap…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết: Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển, sản xuất, nhất là hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tư vấn đào tạo nghề, tạo việc làm, vốn vay… đã giúp nông dân có nguồn lực để phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần.
Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân 115,97 tỷ đồng, phát vay cho 2.521 hộ, 260 dự án nhóm hộ. Hội Nông dân tỉnh đã vận động hơn 10 ngàn hộ nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ hơn 4 ngàn hộ nghèo, khó khăn cho vay lãi suất 0% (75,2 tỷ đồng); trên 60.000 ngày công và hơn 476 tỷ đồng số vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, cây, con giống, lương thực...).
Nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp nhau giảm nghèo bền vững được nhân rộng trên khắp các huyện, thị xã, thành phố như: Hộ ông Lê Văn Quyết tại khu Phước Hải, Thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) với mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao theo chuỗi liên kết, lợi nhuận thu hàng năm đạt 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Hay, hộ ông Nguyễn Huy Bình tại xã Phước An ( huyện Nhơn Trạch) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, lợi nhuận thu được hàng năm khoảng 6 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 -20 lao động địa phương với thu nhập từ 7-12 triệu đồng. Ông Lý Minh Hùng tại xã Thanh Bình ( huyện Trảng Bom) với mô hình trồng, sản xuất Chuối già lùn Nam Mỹ xuất khẩu, thu nhập hàng năm 2-3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 60 lao động, phổ biến cho hàng trăm lao động về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất... và rất nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với các mô hình tiêu biểu khác.
Nhờ làm tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai đạt 64,7 triệu đồng/người/năm, tăng 25% so với đầu nhiệm kỳ. Trung bình hàng năm có trên 54 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, vượt trên 20% so với chỉ tiêu Trung ương giao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh, đến nay còn dưới 0,09%.
Tiên phong trong xây dựng nông thôn mới
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết: Bên cạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai còn phát động phong trào vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Hội nông dân các cấp, phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng người dân, xóm ấp. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm thiết thực như: Tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng thiế chế văn hóa, xây dựng các mô hình cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp…
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân đã vận động đóng góp được 205,1 tỷ đồng, 61.090 ngày công lao động, hiến 131.320 m2 đất để sửa chữa 621.802m đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 265.302m kênh mương thủy lợi; sửa chữa làm mới 125 cầu, cống thoát nước; xây dựng 1.013 công trình điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; xây dựng 525 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nhờ đó, diện mạo nông thôn Đồng Nai chuyển biến rõ nét, phát triển đồng bộ và hài hòa giữa các lĩnh vực: Hệ thống giao thông phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị, kết nối giữa các địa phương, vùng miền, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp, hoạt động theo hướng đa mục tiêu: cung cấp nước, ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ..., đáp ứng khá tốt cho việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất.
Đến nay, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu: 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; 96/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 29 khu dân cư kiểu mẫu…