PV: Thưa ông, thời gian qua công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn có những kết quả gì nổi bật?
Ông Hồ Ngọc Mẫn: Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các sở, ban ngành cùng với nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường ngày càng được tăng cường, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương theo hướng bền vững. Cụ thể: Trong lĩnh vực đất đai, chính sách pháp luật về đất đai ngày càng hoàn thiện và được UBND huyện áp dụng kịp thời nhằm giải quyết hồ sơ về đất đai đúng theo quy định. Quyền của người sử dụng đất tiếp tục phát huy, không còn vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, vượt cấp. Đến nay, huyện Đại Lộc đã triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, hiện đã trình Sở TN&MT thẩm định, kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện được duyệt sớm hơn so với năm trước, đảm bảo kịp thời cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất các dự án, công trình trọng điểm của huyện; công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng được quan tâm, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư của huyện.
Công tác rà soát, phân loại và đề xuất hướng giải quyết những trường hợp vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân được các ngành và địa phương thực hiện quyết liệt và khẩn trương, đến nay đã phân loại và hướng dẫn các địa phương giải quyết 525 trường hợp, còn lại 828 trường hợp cũng đã phân loại và báo cáo đề xuất các sở, ban ngành của tỉnh cho ý kiến giải quyết trong thời gian đến. Cùng với đó, công tác phát triển quỹ đất thực hiện có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH; tiền sử dụng đất thu được hàng năm chiếm khoảng 30 - 40% tổng thu ngân sách. UBND huyện cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn; Đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ ngày càng được quản lý chặt chẽ; đồng thời, kiên quyết thu hồi đất những dự án vi phạm theo quy định. Địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập, trình phê duyệt đề cương, dự toán Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Đại Lộc giai đoạn 2022 - 2025...
Cùng với đó, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá, quy hoạch đồng bộ và quản lý ngày càng chặt chẽ, phát huy giá trị phát triển kinh tế. Huyện đã tập trung triển khai thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; ban hành công văn tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện và quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản, theo đó, đã phân định rõ trách nhiệm cho từng ngành, địa phương quản lý tài nguyên khoáng sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND huyện về chức năng, nhiệm vụ của từng ngành và địa phương.
PV: Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện cũng đạt nhiều thành tích, ông có thể điểm qua những thành công ban đầu đó?
Ông Hồ Ngọc Mẫn: Thời gian Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước được tăng cường; các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản đã được kiểm soát, xử lý; tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở sở sản xuất đã được chấm dứt, không phát sinh điểm nóng mới hoặc cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đầu tư công trình xử lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Năm 2022, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn huyện Đại Lộc; theo đó, Đoàn kiểm tra đã tổ chức 20 đợt kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện, phát hiện và xử lý vi phạm đối với 4 doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt: 260.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động 1 tháng đối với 3 doanh nghiệp do chưa lắp đặt hệ thống trạm cân, gắn camera kết nối Wifi; giao lại cho địa phương cấp xã xử lý vi phạm đối với 2 cá nhân vi phạm.
Đặc biệt là công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường đã triển khai đạt được những kết quả nhất định, thông qua nhiều phong trào, mô hình thiết thực như: Phong trào “Hai không” (không vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng, không dùng xung điện) và mô hình Chỉnh trang công trình vệ sinh chuồng trại chăn nuôi ở nông thôn” của Hội nông dân; Mô hình VAC khép kín, mô hình tự quản các hoạt động ra quân hưởng ứng các ngày chủ điểm về môi trường; ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp; Mô hình xanh - sạch - đẹp trong trường học, công sở; Phương án thu gom, xử lý rác thải ở khu dân cư, ra quân diệt cây mai dương…. Công tác thẩm định hồ sơ môi trường cũng được chú trọng về chất lượng, dần trở thành công cụ quản lý hiệu quả; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cơ bản đã được xử lý.
Ngoài ra, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp, 18/18 xã, thị trấn đã xây dựng Phương án thu gom và xử lý rác thải và triển khai thực hiện, tỷ lệ hộ dân tham gia Hợp đồng thu gom, xử lý rác thải ngày càng tăng, theo kết quả thống kê năm 2021,số hộ tham gia Hợp đồng thu gom xử lý rác thải trên địa bàn huyện là 29.128 hộ/35.373 hộ, chiếm tỷ lệ 82,35%, qua đó góp phần xóa dần các điểm nóng về rác thải tại các điểm giáp ranh, tạo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện.
PV: Trong thành tích chung của cả huyện, ngành TN&MT Đại Lộc đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển KT - XH tại địa phương thưa ông?
Ông Hồ Ngọc Mẫn: Thời gian qua, ngành TN&MT Đại Lộc đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT - XH của huyện, cụ thể như: Tham mưu thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó đã góp phần sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững, tăng nguồn thu từ đất, đóng góp đáng kể trong tăng trưởng kinh tế; góp phần quan trọng vào phát triển KT - XH của huyện. Phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai trong khai thác quỹ đất, thu tiền sử dụng đất hằng năm đóng góp từ 30 - 40% tổng thu ngân sách huyện.
Ngoài ra, ngành TN&MT cũng là ngành quản lý, đề xuất sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản nhằm đáp ứng kịp thời nguồn nguyên liệu khoáng sản tại chỗ cho các hoạt động sản xuất của các nhà máy, các dự án trọng điểm của huyện có sử dụng nguồn khoáng sản đất san lấp, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường; qua đó, góp phần lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển KT - XH giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn huyện đúng như tiến độ đề ra.
Tham mưu đề xuất lựa chọn, thu hút đầu tư đối với các dự án mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt nói không với các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, qua đó đã góp phần phát triển KT - XH của địa phương theo hướng bền vững. Đồng thời đã đưa ra các giải pháp tích cực trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh tế của người dân, góp phần phát triển ổn định về kinh tế của huyện.
PV: Trân trọng cám ơn ông!