Đồng đội tôi, những “bóng hồng” bảo dưỡng

Đức Chính - Nhật Linh| 07/09/2020 21:54

(TN&MT) - Khi bài báo này lên trang, cũng là lúc mùa bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất lần 4 đã bước vào những ngày cuối cùng với sự hối hả nhưng cũng đầy cẩn trọng để an toàn, đúng tiến độ. Tạo nên sự thành công đó là sự đóng góp công sức, mồ hôi của hơn 1.500 CBCNV BSR và hàng nghìn nhân sự nhà thầu đến từ 16 quốc gia. Và… bài báo này chúng tôi muốn gửi đến những “bóng hồng” ẩn khuất trong những bộ đồ bảo hộ thùng thình, những lớp khẩu trang chống covid dày kia lời cảm ơn chân thành.

Y tá Lê Thị Thu Hà vận hành máy đo thân nhiệt tại cổng A1

Những người ở nơi tuyến đầu

Xin được dành những dòng đầu tiên để nói lên hai từ “Cảm ơn” tới những “áo trắng blouse” đang ngày đêm phòng chống dịch Covid-19, mang lại sự an toàn cho người dân, trong đó có chúng tôi: BSR và những nhà thầu trên công trường này.

Cuối tháng 7, khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, Quảng Nam; BSR gánh thêm trọng trách: Vừa bảo dưỡng tổng thể (BDTT) vừa chống dịch Covid-19. 249 chuyên gia bảo dưỡng sửa chữa đến từ các nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam được đón tiếp, cách ly đúng quy định 14 ngày. Tất cả đều có kết quả âm tính, khỏe mạnh và bước vào kỳ BDTT an toàn. Để có được hai từ “âm tính” cho các chuyên gia, BSR đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa,...

Tại công trường nhà máy, bên cạnh các bác sĩ, y tá của BSR còn có 7 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Thiện Nhân và một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ y tế mùa BDTT năm nay. Trong số họ, có những nữ y tá xa nhà, xa quê, xa cả những đứa con nhỏ.

Y tá Lê Thị Thu Hà xúc động: “Khi chúng em đang thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động BSR thì dịch bùng phát, công việc này phải tạm dừng. Lãnh đạo bệnh viện hỏi “Ai xung phong ở lại phục vụ bảo dưỡng?”; em và 5 y tá khác đã ở lại từ cuối tháng 7 để phục vụ chống dịch mùa bảo dưỡng”.

Thu Hà là nữ y tá đã có gia đình và con 2 tuổi nên cảm giác rưng rưng khó tả. Cháu nhỏ được gửi về quê Quảng Nam để gia đình ngoại tiện chăm sóc. Cô kể: “Tối nào cũng vậy, cởi bỏ bộ đồ đi làm, em lại gọi video về quê để nhìn mặt con. Nhớ lắm. Em chỉ mong nhanh hoàn thành bảo dưỡng để được về với con, được ôm con vào lòng”. Lời tâm sự của Hà chính là sự gửi gắm an toàn và tình yêu gia đình đến những người thợ trên công trường có thêm động lực để làm tốt công việc, chờ ngày trở về.

Cùng “team y tá” với Hà còn có những cô gái trẻ như Phạm Thị Mỹ Hạnh. Người con gái quê hương của mì Quảng này cũng xung phong ở lại để tìm kiếm thử thách trong công việc. Hạnh chia sẻ: Công việc của chúng em không vất vả nhưng lại nguy hiểm bởi hàng ngày tiếp xúc với hàng nghìn người lao động khác nhau. Hạnh và nhóm y tá hàng ngày phải vận hành máy đo thân nhiệt tự động, được lắp đặt ở cổng A1, A2 NMLD Dung Quất. Từ khi có máy đo thân nhiệt này, nhóm y tá chưa ghi nhận một ca nào sốt cao trên 38 độ (ngưỡng nghi nhiễm Covid).

Kỹ sư Nguyễn Thị Tường Vi kiểm tra một thiết bị trao đổi nhiệt

Cũng có con nhỏ như y tá Thu Hà, kỹ sư lọc dầu Nguyễn Thị Tường Vi (PTSC Quảng Ngãi) đang thực hiện nhiệm vụ là điều phối viên các phần việc thuộc gói 4: Làm sạch các thiết bị trao đổi nhiệt. Nhìn chị nhỏ thó trong bộ trang phục bảo hộ, luôn tay ghi chép, phối hợp với nhân sự Thái Lan điều phối công việc trên công trường. Công việc của chị là kiểm tra độ sạch của thiết bị được rửa, kiểm tra độ ăn mòn của thiết bị sau đó làm báo cáo gửi BSR. Để cảm nhận được sự vất vả, tôi hỏi chị: “Những ngày này, chị thường uống bao nhiêu nước?”. Chị Vi nói: “12h làm việc trên công trường, tôi uống hơn 2 lít nước”. Thỉnh thoảng, chị lại đưa tay lên quệt ngang mặt để lau mồ hôi bởi dưới cái nắng gần 40 độ của miền Trung, “sắt thép còn cong vênh” thì con người thật nhỏ bé.

Chị Vi kể thêm: 4 đứa con (2 con nhỏ sinh đôi) gửi dì ruột trông nom ban ngày. May có chồng làm ở BSR nhưng khác bộ phận nên có thêm thời gian cuối giờ chiều và buổi tối để chăm con. Có nhiều ngày chị phải nhập số liệu, làm báo cáo đến 21h tối mới về đến nhà. Chị thường đi thẳng vào phòng tắm, cơ thể sạch sẽ mồ hôi mùi công trường, sau đó rửa tay sát khuẩn mới kịp nhìn 4 đứa con thơ; rồi cũng vội đi ngủ để chuẩn bị cho ca làm việc hôm sau bắt đầu lúc 6h.

Chị Được và chị Thương thu dọn lắp cùm giàn giáo

“Ước gì năm nào cũng có bảo dưỡng”

Đó là lời tâm sự của chị Đinh Thị Được (50 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bích Thương (41 tuổi) - hai lao động phổ thông trong gói 1. Hai chị được thuê làm các công việc như phân loại lắp cùm của giàn giáo để chuyển lên các tầng cao của phân xưởng RFCC, thu dọn giàn giáo vào nơi tập kết… Chị Được chia sẻ: “Tranh thủ lúc nông nhàn, thấy có công ty tuyển người làm việc ở Nhà máy, tôi xin và được chấp nhận. Công việc ở đây không vất vả bằng nghề nông. Làm nông phải chạy theo thời tiết”.

Chị Nguyễn Thị Bích Thương trầm ngâm hơn: Tôi học được tính kiên trì, đúng giờ, quy củ và tuân thủ an toàn khi làm việc trong Nhà máy. Một nơi mà tính kỹ luật, an toàn được đưa lên hàng đầu. Ước gì năm nào cũng có bảo dưỡng để có thêm thu nhập.

Ở góc yên tĩnh hơn, bên cạnh đồi cát Dung Quất gần phân xưởng lấy nước làm mát, chị Đặng Thị Thanh Thùy đang tỉ mẩn ghi chép số liệu. Chị Thùy đang là công nhân may do dịch Covid nên Công ty cho nghỉ ít tháng. Chị phải kiếm tìm công việc mới ngay để có thu nhập nuôi con và chị được nhận vào làm tại gói 5: làm sạch và sơn hệ thống nước biển. Công việc hàng ngày của chị là ghi chép số lượng công nhân, thợ sơn xuống ống ngầm làm việc, hậu cần và làm báo cáo. Chị bảo: Công việc này “nhàn và vui” hơn làm may do không phải hít thở trong môi trường bụi vải, tính chất công việc nhẹ nhàng hơn; đặc biệt thu nhập cao hơn khoảng hơn 50% so với làm công nhân may.

Sau BDTT, chị lại quay trở lại Công ty cũ để làm công nhân may để duy trì thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Nguyễn Thu Hà (PVS) hỗ trợ phát đồ ăn nhanh cho nhân sự nhà thầu

Trong không khí làm việc rộn rã ấy, không chỉ người nông dân, công nhân có mong ước được làm việc, được tăng thu nhập trong mùa Covid-19 mà có những người trẻ vừa mới rời ghế nhà trường cũng muốn hòa mình, kiếm tìm thử thách mới. Nguyễn Thu Hà (22 tuổi) - nhân viên Công ty CP Bảo vệ an ninh dầu khí (PVS) từ Hà Nội vào Quảng Ngãi hỗ trợ chi nhánh miền Trung công tác phiên dịch mùa BDTT lần 4. Hàng ngày, Thu Hà thường có mặt ở cổng A1 hoặc A5 để cùng lực lượng an ninh PVS tham gia kiểm soát an ninh, hỗ trợ kiểm soát thẻ ra vào, trang thiết bị của nhân sự nước ngoài. Thu Hà cho biết em muốn tìm kiếm thử thách mới, muốn tận mắt chứng kiến công việc của đồng nghiệp nơi nắng gió miền Trung và muốn hòa mình vào không khí lao động của người Dầu khí.

…Và bóng hồng ngoại quốc

Trong hàng chục nữ công nhân, kỹ sư, lao động phổ thông đang làm việc trên công trường BDTT; chúng tôi ghi nhận có nhiều lao động nữ là người của nhà thầu Dong Il và NEWWIN. Trong số ấy có chị Doyeon Kim (quốc tịch Hàn Quốc), là nhân viên hành chính gói thầu số 1. Công việc hàng ngày của chị là giúp Giám đốc gói 1 công tác hành chính, trình giấy phép làm việc và truyền thông. Chị cho biết: Do người Việt và Hàn khá tương đồng về văn hóa nên không có khó khăn trong quá trình phối hợp công việc. Tuy nhiên quy trình phê duyệt giấy phép làm việc của BSR còn nhiều thủ tục và tốn khá nhiều thời gian. Doyeon Kim cho rằng không khí ở Quảng Ngãi khá nóng nhưng trong lành; đặc biệt đồ ăn dễ ăn và nhiều hải sản.

Haneda và đồng nghiệp trao đổi công việc trên công trường

Do là người theo đạo Hồi, nên chị Haneda (quốc tịch Malaysia), nhân sự của NEWWIN khó khăn trong việc ăn uống. Chị phải sử dụng thêm các thực phẩm mang sẵn từ Malaysia để ăn tối cùng với các thực phẩm là hải sản, rau củ, thay vì dùng thịt lợn. Công việc của Haneda thuộc nhóm hành chính như cập nhật tiến độ phục vụ lãnh đạo, chuẩn bị báo cáo, ghi chép các đầu việc quan trọng…

Trên công trường, Haneda phải mặc đồ bảo hộ theo quy định và sử dụng khăn choàng của người Hồi giáo. Chị cho biết với trang phục này là khá nóng, đôi khi hơi bất tiện nhưng mãi cũng quen. Với Haneda, thử thách trong chuyến đi tham gia BDTT ở Việt Nam sẽ giúp cô có thêm kinh nghiệm để tham gia các dự án tiếp theo ở Đông Nam Á.

Nữ giám sát cơ khí gói 3 Julia

Cùng quốc tịch ở Haneda là chị Julia, là kỹ sư dự án giám sát cơ khí ở gói thầu số 3. Julia có 4 năm làm trong ngành dầu khí nhưng đây là lần đầu tiên chị ra ngoài lãnh thổ Malaysia để làm dự án. Chị chia sẻ: “Nhóm của tôi sang Việt Nam từ tháng 6, thực hiện cách ly rồi vào nhận công việc. Công nhân và kỹ sư Việt Nam rất giỏi, họ có tay nghề, bản thân tôi giám sát mà đôi lúc cũng bất ngờ về cách họ triển khai công việc”.

chị Julia cũng cho biết, cả đoàn gặp khó khăn trong việc tìm thức ăn phù hợp, nên đã phải mang thức ăn từ Malaysia sang để tự chế biến sau giờ làm. Công việc có phần vất vả, nhưng được đồng nghiệp và phía BSR tạo nhiều điều kiện nên mọi thứ thuận lợi.

Tất cả họ, những “bóng hồng” trên công trường mỗi người đến từ Việt Nam, Hàn Quốc hay Malaysia, mang trên mình màu cờ sắc áo riêng nhưng đều cùng một ý chí vì một mùa BDTT thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng đội tôi, những “bóng hồng” bảo dưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO