Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã hạ cảnh báo sóng thần xuống mức thấp nhất hoặc dỡ bỏ cảnh báo này ở một số nơi sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở quần đảo Solomon không gây thiệt hại đáng kể.
Trận động đất có cường độ mạnh trên xảy ra vào lúc 17 giờ 38 GMT ngày 8/12 (tức 0 giờ 38 ngày 9/12 giờ Hà Nội) ở khu vực cách thành phố Kirakira của quần đảo Solomon 63km về phía Tây-Tây Nam.
Dư chấn mạnh 6,5 độ Richter sau đó đã làm rung lắc khu vực này khoảng 4 giờ.
Ban đầu, Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết có khả năng sẽ có sóng thần "mạnh và trên diện rộng" ở các bờ biển của Quần đảo Solomon, Vanuatu, Papua New Guinea, Nauru, New Caledonia, Tuvalu và Kosrae; đồng thời đề nghị người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Nhưng 3 giờ sau đó, cảnh báo được rút khi không có sự cố gì lớn ngoài một đợt sóng thần nhẹ, cao dưới nửa mét. Nguồn cung cấp điện đã bị cắt ở một số nơi tại Solomons. Một số nhà sập nhưng không ai bị thương.
Ông Hugh Glanville, nhà địa chấn học tại trung tâm Khoa học địa chất Australia, cho biết việc tâm chấn động đất nằm ở ngoài khơi ở độ sâu 48km và đây là nơi có ít người đã giúp giảm thiểu thiệt hại.
Quần đảo Solomon nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, nơi thường xảy ra động đất và núi lửa phun trào.
Năm 2007, một trận động đất mạnh 8 độ Richter kèm theo sóng thần cao 10m đã làm 52 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất nhà cửa.
Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và thiệt hại lớn về tài sản trong một trận động đất khác mạnh 8 độ Richter năm 2013.
Trong khi đó, trận động đất mạnh 6,2 độ Richter tại Tân Cương, Trung Quốc, chiều 8/12 đã làm ít nhất 2 người bị thương nhẹ.
Trận động đất này kèm theo hơn 140 dư chấn trong chiều 8/12, trong đó có 6 dư chấn mạnh 3-3,9 độ Richter. Hơn 400 ngôi nhà bị sập hoặc hư hại.
Cơ quan Động đất Trung Quốc đã cử một đội làm việc đến tỉnh này để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai./.
Theo TTXVN