Đóng cửa rừng tự nhiên, nhiều dự án lớn sắp triển khai ở Kon Tum sẽ xử lý ra sao?

30/06/2016 00:00

  (TN&MT) – Trước chỉ đạo của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi diện tích đất rừng sang đất nông nghiệp, nhiều dự án nghìn...

 

(TN&MT) – Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi diện tích đất rừng sang đất nông nghiệp, nhiều dự án nghìn tỷ đã được Chính phủ phê duyệt hiện sắp được thực hiện trên quy hoạch 10.000 ha đất rừng tại tỉnh Kon Tum chưa có hướng xử lý cụ thể. Trong khi đó, nhiều cánh rừng tại tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước này vẫn đang tiếp tục “chảy máu”.

Rừng Kon Tum bị lâm tặc chặt phá, khai thác trái phép
Rừng Kon Tum bị lâm tặc chặt phá, khai thác trái phép

Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức buổi họp báo thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã dùng rất nhiều biện pháp để bảo vệ rừng như: tuyên truyền, củng cố, tổ chức lại ngành lâm nghiệp; gắn trách nhiệm của chủ rừng đối với việc mất rừng; tổ chức rà soát tất cả các cơ sở chế biến gỗ nhằm ngăn chặn đầu ra của gỗ lậu, nhưng tình trạng rừng “chảy máu” vẫn liên tục diễn ra trên địa bàn.

Theo ông Bùi Thanh Bình - Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum, chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 tới nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện được 264 vụ vi phạm, xử lý hình sự 8 vụ, còn lại là xử phạt hành chính và xử lý hình thức khác. Trong đó, có thể chỉ ra những vụ để mất rừng điển hình như: vụ khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 474, xã Măng Cành (huyện Kon Plông); vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ tại rừng đặc dụng Đắk Uy (huyện Đắk Hà); vụ khai thác lâm sản trái phép tại Lâm trường Măng La (Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp Kon Plông). Và mới đây là vụ phá rừng nghiêm trọng ở lâm phần của Công ty TNHH-MTV lâm nghiệp Đắk Glei, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, làm rõ.

Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, năm 2011 cả tỉnh có diện tích rừng là: 650.297,3 ha, độ che phủ của rừng chiếm 66,7 %. Thế nhưng đến năm 2015, tỉnh này chỉ còn hơn 603 ngàn ha rừng (trong đó có hơn 546 ngàn ha rừng tự nhiên và hơn 20 ngàn ha rừng trồng), độ che phủ rừng đạt hơn 62%. Như vậy, chỉ từ năm 2011 đến năm 2015, tỉnh Kon Tum đã để mất gần 50.000 ha rừng, một con số “khủng”, đáng lo ngại.

Rừng Kon Tum bị lâm tặc chặt phá, khai thác trái phép
Rừng Kon Tum bị lâm tặc chặt phá, khai thác trái phép

Mặt khác, trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi rừng sang mục đích nông nghiệp, chỉ trừ trường hợp dùng cho quốc phòng an ninh, nhiều dự án lớn được Chính phủ phê duyệt sắp tới sẽ được thực hiện trên khoảng 10.000 ha đất rừng tại Kon Tum chưa có hướng xử lý cụ thể. 

Đây đều là những dự án có vốn đầu tư lớn và có sự hợp tác với nước ngoài. Tiêu biểu như: Dự án Nông trại hữu cơ sản xuất rau, củ, quả xứ lạnh của liên doanh 3 nhà đầu tư từ Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 67 tỷ đồng, quy mô diện tích gần 100 ha; Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen, có tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 1.530 ha; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao VinEco Kon Tum - Măng Đen của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup, với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 1.000 ha…

Kon Tum là tỉnh phía Bắc Tây Nguyên, hiện còn rừng nhiều nhất cả nước. Để tiếp tục duy trì và phát triển diện tích rừng này cũng đòi hỏi ý thức bảo vệ của cả cơ quan chức năng và người dân địa phương. Trong khi đó, nhiều địa phương, do thiếu sâu sát, lơ là nhiệm vụ đã để xảy ra nhiều vụ việc xâm hại đến tài nguyên rừng, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, tình trạng người dân mà chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, chặt phá rừng để làm rẫy không bị xử lý nghiêm dẫn dến nhờn luật. Hi vọng thời gian tới, với chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, rừng Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đóng cửa rừng tự nhiên, nhiều dự án lớn sắp triển khai ở Kon Tum sẽ xử lý ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO