Đồng bộ chính sách – công nghệ - nguồn lực để xử lý thành công ô nhiễm dioxin

Tống Minh| 26/12/2019 07:42

(TN&MT) - Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khi chia sẻ tại Chương trình Chính sách, giải pháp thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh với chủ đề “Khát vọng bình yên”, được truyền hình trực tiếp trên Kênh Quốc phòng Việt Nam vào tối ngày 25/12.

Chương trình do Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (BCĐ701) chỉ đạo Văn phòng 701 và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức.

Các đại biểu tham gia trao đổi tại Chương trình

Cùng tham gia trao đổi có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701. Chương trình cũng có sự tham dự của đại biểu các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…

Tại chương trình, các đại biểu cùng nhắc nhớ lại câu chuyện của quá khứ, khi quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải chất độc hóa học với tổng lượng khoảng 74 triệu lít chất diệt cỏ (tương đương 19,5 triệu gallon), trong đó có khoảng 47 triệu lít chất da cam với ước tính có ít nhất là 366 kg dioxin để làm rụng lá các rừng ngập mặt ven biển, khai quang các cánh rừng trong đất liền và hệ thực vật xung quanh các đường bộ, đường mòn đường dây điện, kênh đào, căn cứ quân sự và để phá hủy mùa màng.

Việc phun rải chất độc hóa học ngay lập tức đã làm cho các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều khu rừng bị hoang hóa gây tổn thất rất lớn về tài nguyên gỗ, nhiều loài động vật và thực vật quý hiếm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hậu quả của chất độc hóa học/dioxin cũng gây ra những dị tật bẩm sinh, những bất thường thai sản đối với những cựu chiến binh tham gia chiến trường miền Nam Việt Nam, những người dân thường bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin… gây ra những tổn thương về tâm lý không thể nào bù đắp qua nhiều thế hệ.

Thấy được mối nguy hại của chất da cam/dioxin và các chất độc tồn lưu sau chiến tranh với con người và môi trường, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ngay sau khi chiến tranh kết thúc, để giảm bớt tác động xấu và phục hồi môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (thứ hai từ trái sang) chia sẻ tại Chương trình

Nói về hành trình ấy, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, từ năm 1995 đến nay, Bộ Quốc phòng, Bộ TN&MT đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều dự án điều tra, thu gom và xử lý. Trong đó phải kể đến các dự án về điều tra, đánh giá sự tồn lưu chất da cam/dioxin, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực có điểm nóng, và thực hiện ngay giải pháp giảm thiểu ngăn chặn lan tỏa ô nhiễm dioxin và tẩy độc tập trung vào khu vực sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.

Ngoài ba điểm chủ yếu tại Đà Nẵng, Phù Cát và Biên Hòa, còn phát hiện thấy 30 điểm ô nhiễmdioxin là các sân bay rã chiến được dùng để làm trạm trung chuyển chất độc hóa học trước khi phun rải. Trên cơ sở rà soát 30 điểm ô nhiễm, năm 2019, Bộ TN&MT đã thực hiện đánh giá kỹ hơn mức độ ô nhiễm tại các khu vực quan trọng như sân bay A So, các khu kho chứa khí tài cũ của Mỹ tại sân bay Pleiku, Gia Lai. Kết quả điều tra sẽ bổ sung thông tin cần thiết để giúp cho việc quản lý các nguồn ô nhiễm tiềm tàng, lập kế hoạch sử dụng đất hiệu quả và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại địa phương.   

Thứ trưởng cũng ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý thành công 2 điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin: sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định (năm 2012); đặc biệt dưới sự trợ giúp của nhân dân và Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam đã xử lý, tiêu tẩy độc thành công đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào cuối năm 2018, đưa vào sử dụng 32,4ha đất sạch sau xử lý và được bàn giao để phục vụ mở rộng sân bay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Đối với sân bay Biên Hòa, khối lượng đất bị nhiễm dioxin lớn hơn nhiều so với ở sân bay Đà Nẵng, với mức độ ô nhiễm nặng nề hơn, Thứ trưởng thông tin, Đảng và Nhà nước, Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức chính trị xã hội khác đã chung tay, hợp lực và vận động Chính phủ Hoa Kỳ và một số tổ chức Hoa Kỳ đồng tài trợ để xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực này.

Bộ TN&MT đang tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai, thực hiện Dự án“Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Đây là một trong những Dự án tồn lưu chất dioxin do chiến tranh lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, Dư án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

“Việc triển khai dự án sẽ được thực hiện bài bản, quản lý chặt chẽ, không phát tán lây nhiễm dioxin ra khu vực lân cận”, Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, điều cần thiết hiện tại là lựa chọn công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất để xử lý ô nhiễm dioxin ở Biên Hòa. “Như vậy, để đi đến tận cùng xử lý ô nhiễm dioxin ở Việt Nam, cần có sự đồng bộ của 3 công cụ chính, đó là cơ chế chính sách, công nghệ và nguồn lực tài trợ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho hay, Bộ TN&MT hiện đang rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn dioxin phục vụ cho công tác quản lý, cũng như xử lý dioxin; đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng và các tổ chức có liên quan khác tổ chức quan trắc môi trường tại các điểm nóng nhằm kịp thời cảnh báo và có biện pháp để đảm bảo dioxin không phát tán ra bên ngoài khu dân cư./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ chính sách – công nghệ - nguồn lực để xử lý thành công ô nhiễm dioxin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO