Đồng bằng Sông Cửu Long phải dự trữ nước ngọt cho năm 2017

23/01/2017 00:00

Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chủ động trữ nước, liên kết trong việc khai thác nguồn nước nhằm đối phó hạn, mặn sắp tới.

Hạn, mặn sẽ trở lại

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương vừa đưa ra nhận định về xu thế khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ mùa khô 2016-2017. Theo đó, mùa khô năm 2016-2017 có khả năng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm, tình trạng hạn hán ít khốc liệt hơn năm 2015-2016, mực nước trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

Từ tháng 12-2016 tới tháng 2-2017, mưa giảm do bắt đầu vào mùa khô. Riêng tháng 1 và 2 có thể xuất hiện những đợt mưa rào trái mùa nên lượng mưa trong tháng có khả năng cao hơn 15%-30% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Độ mặn cao nhất mùa khô năm 2016-2017 có khả năng xuất hiện trong tháng 2 và 3-2017.

gười dân ĐBSCL thường dùng lu trữ nước mưa để đối phó hạn, mặn
gười dân ĐBSCL thường dùng lu trữ nước mưa để đối phó hạn, mặn

Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn trong mùa khô trước. Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre, từ đầu tháng 1-2017, mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông khoảng 18-28 km. Độ mặn cao nhất mùa khô năm 2017 sẽ xuất hiện và kéo dài vào cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, cao hơn mức trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn năm 2016.

Theo nhận định của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, do biến đổi khí hậu cùng với việc đỉnh lũ năm 2016 thấp hơn trung bình nhiều năm nên nguy cơ hạn, mặn sẽ tiếp tục quay trở lại, đe dọa vụ lúa mùa và đông xuân năm 2016-2017 là rất lớn.

Ông Lâm Hoàng Hai - ngụ ấp Đông Quý, xã Đông Thái, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang - cho biết vụ đông xuân vừa qua, gia đình ông chịu thiệt hại do hạn, mặn hơn 2,7 ha lúa với tỉ lệ 30%-70%.

Khai thác 2 “túi nước” tự nhiên

Để ứng phó hạn, mặn, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo vừa đề nghị các cấp ủy và đoàn thể mở đợt tuyên truyền, phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt” trong dân nhằm phục vụ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt.

Theo đó, người làm ruộng, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải khép kín kênh rạch nội đồng, mương vườn. Riêng nước sinh hoạt, người dân cố gắng trữ nước mưa, nước sông, đào giếng tầng nông… để dùng trong thời gian hạn, mặn.

Trong khi đó, tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết vừa ban hành 2 quyết định phê duyệt đề án “Kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân giai đoạn 2016- 2020” cùng “Chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng đến năm 2020”.

Theo ông Tâm, mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, phấn đấu đến năm 2020 sẽ kiểm soát được mặn, cung cấp nước tưới cho 800.000 ha lúa, hơn 4.000 ha cây trồng cạn luân canh trên đất lúa cùng với các loại rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp và cho khoảng 221.537 ha nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 sẽ cung cấp 90% nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân với ít nhất 60 lít/người/ngày. Theo đó, Kiên Giang cần hơn 5.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án về kiểm soát mặn ở khu vực biển Tây; đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung cùng với nước sinh hoạt ở đô thị.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, khuyến cáo: “Người dân các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang… có thể trữ nước ngọt từ nước mưa bởi lượng mưa ở đây rất lớn”.

Trước đây, 2 vùng trũng tự nhiên Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hằng năm ngập đến 3,5 m, mỗi nơi có thể hấp thu 9-10 tỉ m3 nước. Trong 20 năm qua, không gian hấp thu lũ của 2 vùng đã bị chiếm nhiều bởi các ô đê bao khép kín canh tác 3 vụ lúa/năm. Vì vậy, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL - cho rằng việc trữ nước tốt nhất không đâu bằng ở 2 “túi nước” này.

Liên kết thành “khu vực đáng sống”

Ba tỉnh khu vực Đồng Tháp Mười là Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An đã ký hợp tác liên kết trong việc trữ nước chống hạn mặn, phát triển kinh tế bền vững. Mục tiêu của 3 địa phương là đưa tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành khu vực đáng sống cả về mặt môi trường và kinh tế, thu nhập của người dân phải cao hơn hoặc ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng Sông Cửu Long phải dự trữ nước ngọt cho năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO