Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó lũ lớn

03/01/2019 10:55

Sau nhiều năm, năm 2018, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) mới xuất hiện đỉnh lũ đạt mức báo động 2. Lũ cao đã gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, cây ăn quả, hoa màu và làm ngập hàng nghìn nhà dân. Tuy nhiên, lũ cũng làm gia tăng nguồn lợi thủy sản, vệ sinh và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng. Vì vậy, các địa phương khu vực ÐBSCL cần ứng phó linh hoạt để có những "mùa lũ đẹp".

Giữa tháng 11 vừa qua, tại hội nghị đánh giá công tác ứng phó lũ ÐBSCL năm 2018; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai thống kê, năm 2018, mực nước lũ vùng Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười tăng mạnh vào nửa đầu mùa lũ và đạt đỉnh lũ chính vụ vào các ngày giữa đến cuối tháng 9. Trong đó, lũ đạt đỉnh từ 3,04 m đến 3,8 m, cao hơn báo động 2 từ 0,14 m đến 0,3 m, cao hơn các năm từ 2014 đến 2017. Lũ chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến bốn tỉnh gồm Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An.

lũ ĐBSCL


Nhằm hạn chế thiệt hại, các tỉnh đã kịp thời hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu ngoài đê bao, bờ bao; gia cố, xử lý sự cố đê bao, bờ bao, ngay từ giờ đầu. Mặc dù vậy, do lũ về nhanh, kết hợp triều cường ở mức cao cho nên gây ngập lụt ở nhiều nơi làm 1.845 ha lúa bị thiệt hại; 5.480 nhà dân; 2.375 ha cây ăn quả và 140,6 ha rau màu bị ngập; 334 m đường giao thông hư hỏng; 118.840 m đường giao thông bị ngập; 182.990 m bờ bao bị tràn…

Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nêu trên là do nhiều năm không có lũ hoặc lũ thấp cho nên người dân có phần chủ quan. Nhiều nơi, người dân vẫn canh tác lúa, xây nhà ngoài đê bao. Hơn nữa, một số khu đê bao không được nâng cấp, tu sửa cho nên gặp sự cố khi nước dâng cao. Bên cạnh đó, công tác dự báo còn nhiều hạn chế, độ chính xác chưa cao; các thông tin về hồ chứa của các nhánh sông lớn và dự báo mưa trên lưu vực chưa đầy đủ và kịp thời; công tác di dời hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm còn hạn chế do thiếu kinh phí…

Theo dự báo, lũ ở ÐBSCL những năm tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương trong khu vực cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng để triển khai phương án ứng phó phù hợp. Ðặc biệt, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện thời vụ gieo cấy, thu hoạch lúa hè thu sớm để tránh lũ, khuyến cáo người dân không cấy lúa vụ thu đông ở vùng đầu nguồn và ở những khu vực không bảo đảm an toàn, rà soát, tu bổ, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất và các khu dân cư…

Mặt khác, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó lũ lớn, trong đó chú trọng phát triển sinh kế cho người dân trong mùa lũ; đẩy nhanh việc xác định các vùng chuyên canh lúa, cây ăn quả để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê bao triệt để, kết hợp xây dựng hệ thống trạm bơm điều tiết nước, bảo đảm sản xuất an toàn chống lũ, hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó lũ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO