Đông Anh - Hà Nội: Hơn 1.600 m2 đất và cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác của 6 hộ gia đình suốt 15 năm

Phạm Đức Minh| 26/01/2021 14:45

(TN&MT) - Đã hơn 15 năm qua, ngay ngoại thành Hà Nội, có 6 hộ gia đình phải sống trong cảnh khổ sở, nhếch nhác bởi họ sống trên đất của mình mà không được xây dựng hay sửa chữa nhà cửa.

Trên thửa đất số: 18; Tờ Bản đồ số: 126, mang tên Hạt giao thông đường bộ Đông Anh, có địa chỉ: Số 40 đường Đào Duy Tùng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, hiện hữu những trái ngang mà hậu quả của nó đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ tư ở đây.

Ông Lê Hải Phong, đại diện 6 hộ dân ở đây cho biết, đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp lãnh đạo của Thành phố Hà Nội và huyện Đông Anh, nhưng đều không có được câu trả lời thỏa đáng.

Nguồn gốc sử dụng nhà, đất

Hạt giao thông đường bộ Đông Anh thuộc Đoàn bảo dưỡng đường bộ 1 Hà Nội (đến ngày 13/1/1971, Đoàn bảo dưỡng đường bộ 1 đổi tên thành Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành theo Quyết định số 58 QĐ/TCCQ của Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội) xin đất hoang hoá của thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ với diện tích 1.692 m2 đất, để làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên công tác sửa chữa cầu đường phục vụ cho chiến tranh trên địa bàn huyện Đông Anh.

Ngày 12/2/1971, một số cán bộ, nhân viên, nay là 06 hộ gia đình được ông Đào Văn Kiện – lúc đó là Cung trưởng Cung đường Đông Anh, là người có quyền cao nhất đại diện cho Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành tại huyện Đông Anh, đã trực tiếp giao nhà ở.

6 hộ gia đình sống tại số 40 đường Đào Duy Tùng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đã phải sống trong cảnh nhếch nhác hơn 15 năm qua.

Đến ngày 21/6/1974, các cán bộ nhân viên được Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành có Quyết định điều động công tác, chính thức cho tiếp quản toàn bộ tài sản nhà đất và nhập hộ khẩu thường trú tại Hạt giao thông đường bộ Đông Anh từ ngày 08/10/1974 cho đến nay.

Đến năm 1976 (sau chiến tranh), vì không còn nhu cầu sử dụng, nên ông Trần Văn Vinh là Chủ nhiệm Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành đã đại diện Công ty và Hạt giao thông Đông Anh tuyên bố công khai toàn Công ty: “Tặng cho cán bộ công nhân viên của Công ty có hộ khẩu thường trú trên đất) toàn bộ nhà đất tại Hạt giao thông Đông Anh để làm nơi ở”. (Tại thời điểm mà Nhà nước chưa có quy định: “Việc tặng cho tài sản nhà đất phải được lập thành văn bản và phải đăng ký sở hữu”).

 Theo đó, các gia đình đã nhận tài sản, xây dựng nhà ở, liên tục sử dụng vào một mục đích chính nhất định là “đất ở” và không có tranh chấp từ đó đến nay.

Công ty Công trình giao thông 1 là đơn vị kế tục Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành, được thành lập theo Quyết định 1279 ngày 27/3/1993 của UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 2/7/1996, chính Công ty Công trình giao thông 1 đã đứng ra đại diện Công ty sửa chữa Cầu đường ngoại thành kê khai sử dụng và đăng ký 1.692 m2 đất ở cho 6 hộ là cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu theo Chỉ thị 245/TTg ngày 22/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ”, được Sở Giao thông công chính Hà Nội là cơ quan chuyên ngành quản lý cấp tỉnh và UBND xã Uy Nỗ là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn xác nhận tại Tờ khai sử dụng đất.

Qua đó, tại Tờ khai sử dụng đất đã chỉ ra rằng: Toàn bộ số diện tích 1.692m² đất ở tại đây có nguồn gốc “xin đất hoang hóa và đã trả tiền cho UBND xã Uy Nỗ từ năm 1965, không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước” (theo ông Đào Văn Kiện, nguyên Cung trưởng Cung đường Đông Anh cho biết: Khi xin đất Hạt giao thông Đông Anh đã trả tiền 05 năm lợi tức hoa màu cho UBND xã Uy Nỗ bằng nguồn đóng góp của cán bộ công nhân viên từ năm 1965); và có mục đích sử dụng là: “Nhà ở tập thể cán bộ công nhân viên từ năm 1965”.

Điều đó cho thấy, toàn bộ tài sản nhà đất tại đây còn nguyên giá trị của chủ sở hữu được Nhà nước công nhận là “tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa” tại Điều 23 Hiến pháp 1992.

15 năm sống trong cảnh  tạm bợ, nhếch nhác

Suốt hơn 15 năm qua, ám ảnh với ông Lê Hải Phong cùng các thành viên của 6 hộ gia đình là cảnh phải sống tạm bợ, nhếch nhác.

Theo Hồ sơ gửi đến các cơ quan chức năng, ông Phong cùng các thành viên của 6 hộ gia đình cho biết: Vụ việc được bắt đầu từ năm 2003, ngay sau khi UBND huyện Đông Anh ban hành các Quyết định 30 và 948 thu hồi một phần diện tích đất ở trên thửa đất số: 18 (khoảng gần 100 m2 đất) mà không bồi thường.

Tiếp đến, ngày 4/5/2005, do lốc xoáy và mưa đá đã làm tốc mái nên ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hoà phải sửa lại (nhà ở số 1 trong Sơ đồ khuôn viên diện tích 1.692 m2 đất ở đã được chính UBND xã Uy Nỗ xác nhận tại Tờ khai sử dụng đất ngày 02/7/1996). Trong khi gia đình bà Hoà đang sửa chữa, thì UBND xã Uy Nỗ có Thông báo số 38/TB-UB ngày 11/5/2005, với nội dung yêu cầu gia đình bà Hoà: “Phải tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng và di chuyển toàn bộ trang thiết bị - tài sản, nguyên vật liệu đi nơi khác, trả lại mặt bằng ban đầu”.

Ngày 14/5/2005, UBND xã Uy Nỗ tiếp tục ban hành Quyết định số 44/QĐ-UB, với nội dung: “Buộc trả lại hiện trạng ban đầu; Buộc tháo dỡ phần xây dựng mới;  Thời gian cưỡng chế từ 15 giờ 00 ngày 16/5/2005”. 

Ngày 01/6/2005, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3707, chuyển Công ty Công trình giao thông 1 thành Công ty cổ phần (100% cổ phần hóa), đã cho Công ty này được thuê 1.366 m2 đất, (trong tổng số diện tích 1.692 m2 đất ở có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại đây), theo diện “tiếp tục ký Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường”, mà Công ty không hề có căn cứ sở hữu đối với tài sản; cũng không có các căn cứ đang sử dụng nhà đất trên thực địa “thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất đã kê khai sử dụng theo Chỉ thị 245 ngày 22/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ trước đó”.

Do uất ức lâu ngày và lo nghĩ quá nhiều bà Nguyễn Thị Hòa đã bị tai biến mạch máu não và liệt người suốt từ năm 2012 đến nay.

Từ việc UBND xã Uy Nỗ ban hành Thông báo 38 ngày 11/5/2005 và Quyết định 44 ngày 14/5/2005; UBND huyện Đông Anh ban hành Thông báo 99 ngày 26/5/2005; và UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3707 ngày 01/6/2005, đã đẩy các hộ gia đình đang sống tại đây vào cảnh sống tạm bợ kéo dài đến nay đã hơn 15 năm.

Mọi việc không dừng ở đó, ngày 01/4/2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 1482/QĐ-UBND, thu hồi 1.622 m2 đất tại thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ (tức là thửa đất Hạt giao thông đường bộ Đông Anh (tên theo đăng ký hộ khẩu thường trú); hoặc Công ty Công trình giao thông 1 (tên theo đăng ký đất ở vào Số địa chính năm 1996) trên địa bàn xã Uy Nỗ), nhưng lại đứng tên Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1, với nội dung: “Thu hồi số diện tích 1.622 m2 đất tại thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ của Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 đang quản lý, sử dụng.”

Lý do thu hồi: “Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 sử dụng đất không đúng mục đích, không có hiệu quả, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước...”

Như vậy, Quyết định 1482 ngày 1/4/2010 của UBND thành phố Hà Nội thu hồi 1.622 m2 đất ở tại đây là diện tích đất mà Nhà nước đã công nhận sở hữu trước đó không có nguồn gốc từ Nhà nước giao đất; và số tiền đã trả cho UBND xã Uy Nỗ từ năm 1965 cũng không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; và cũng không thuộc diện tài sản nhà đất mà Nhà nước đã xác lập sở hữu toàn dân trước ngày 1/7/1991 tại Nghị quyết số 23 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa 11.

Trên thực tế lãnh đạo Công ty Công trình giao thông 1 và một số cán bộ, lãnh đạo chính quyền địa phương đã hoàn thành việc biến toàn bộ nhà ở và đất ở tại đây của 6 hộ gia đình thành nhà đất của doanh nghiệp là Công ty Công trình giao thông 1 “thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất theo Chỉ thị 245”. Biến họ (6 hộ dân) từ những người đang sinh sống hợp pháp trên thực địa, bị mất đi các quyền: “Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với chính tài sản của mình”, trở thành những người trắng tay. Trong đó, đáng thương như trường hợp bà Nguyễn Thị Hoà: Từ năm 2005 đến 2012, một phần là vì phải sống trong cảnh nhà cửa tan hoang; một phần vì do uất ức lâu ngày và lo nghĩ quá nhiều, đời sống, tâm lý, tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên bà Hoà đã bị tai biến mạch máu não và liệt người suốt từ năm 2012 cho đến nay.

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc khi có thông tin từ các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh - Hà Nội: Hơn 1.600 m2 đất và cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác của 6 hộ gia đình suốt 15 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO