Đông Anh (Hà Nội): Chợ cóc "chiếm dụng" khu di tích lịch sử

23/10/2016 00:00

(TN&MT) – Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được phản ánh của người dân thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) về việc chiếm dụng sân khu di tích lịch sử đình làng Thụy Lôi để họp chợ, gây mất trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và môi trường khu di tích. Đáng nói, sự việc này đã diễn ra suốt hơn 10 năm nay mà chưa có sự vào cuộc xử lý của chính quyền các cấp.

Sân và cổng Đình làng Thụy Lôi trở thành nơi họp chợ
Sân và cổng Đình làng Thụy Lôi trở thành nơi họp chợ

Đình làng Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) có diện tích 3.600m2, nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Đền Sái được Bộ Văn Hóa công nhận năm 1986. Đình Thụy Lôi có kiến trúc cổ đồ sộ với những cột lớn, mái uốn, đao cong. Thế nhưng, nhiều năm nay sân sau đình làng xuất hiện chợ Cóc hoạt động tự do bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, vấy bẩn khu di tích, khiến cho việc mở rộng sân chơi vào các ngày hội khó hơn “bắc thang lên trời”!

Ông Nguyễn Hữu Niệm, thành viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Sái cho biết: Chợ họp chính thức từ năm 2002. Trước đó, do người dân họp chợ, bày bán hàng hóa ở Cầu gần cổng đình làng, gây ách tắc giao thông nên UBND xã giao cho câu lạc bộ (CLB) Vật của thôn (đơn vị trực tiếp quản lý khu chợ) quản lý trông nom thu vé chợ Cóc và yêu cầu người dân không họp chợ ở Cầu.

Theo ông Ngô Tiến Tương – Phó Ban thường trực Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Sái, chợ Cóc chỉ là chợ tạm vào thời điểm chợ Nhội đang xây dựng. Trong thời gian chợ Cóc hoạt động theo Hợp đồng, việc buôn bán của người dân được quản lý chặt chẽ nhưng sau khi hết Hợp đồng, một hộ gia đình đã lợi dụng quyền lực kinh doanh trái phép, chiếm dụng đất, thu trên dưới 200 triệu đồng/năm.

Việc họp chợ trong sân đình gây ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan chốn linh thiêng
Việc họp chợ trong sân đình gây ô nhiễm môi trường và gây mất mỹ quan chốn linh thiêng

Qua tìm hiểu, được biết, theo Hợp đồng công việc quản lý chợ Cóc ngày 20/11/2008, được sự đồng ý của UBND xã Thụy Lâm và lãnh đạo liên 3 khu thôn Thụy Lôi, giao cho CLB Vật quản lý chợ. Căn cứ vào cuộc họp của CLB ngày 16/11/2008 Âm lịch, đã quyết định giao quản lý và bảo lãnh cho đơn vị khác quản lý chợ. Bên được giao công việc là bà Nguyễn Thị Cúc – Xóm La Khu 7 có trách nhiệm sắp xếp các hàng buôn bán có trật tự và khoa học để quản lý trong 3 năm từ ngày 1/1/2009 đến hết ngày 30/12/2011 Âm lịch.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Cúc có trách nhiệm không cho các hàng buôn bán ở lòng cầu và lòng đường, bảo đảm đường thông hè thoáng, đi lại dễ dàng; phải tổng vệ sinh môi trường, quét dọn rác thải tập trung vào nơi quy định và đốt hủy; được phép thu lệ phí cả ngày và tối trong các ngày và những ngày hội hè trong khu vực chợ được quản lý; có công văn giá trị thu lệ phí không quá 2.000 đồng trong các phiên chợ đối với mỗi hàng.

Đến nay, Hợp đồng công việc quản lý chợ Cóc đã hết hạn gần 5 năm, chợ Cóc hiện do một hộ gia đình khác (không phải bà Nguyễn Thị Cúc) quản lý khiến người dân trong xã vô cùng bất bình. Bởi từ khi hộ này quản lý, lệ phí đối với mỗi hàng cao ngất ngưởng, không có giá chung, kể cả đối với hàng rau, hàng thịt, hàng tôm hay hàng cá.

“Có nhiều người nhà trồng được luống rau nên chỉ có vài bó mang ra chợ bán, nhưng cũng phải nộp phí từ 5.000 đến 10.000 đồng để có chỗ ngồi, như vậy, họ còn lãi được bao nhiêu đồng? Thậm chí, có trường hợp người dân không nộp phí đã bị hộ gia đình kia ném cả gánh rau xuống sông!” – ông Nguyễn Tu Hùng, Trưởng khu 5 thôn Thụy Lôi bức xúc.

Ngoài ra, việc chợ Cóc hoạt động trái phép còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chốn linh thiêng bởi ý thức kém của một số người dân bán hàng trong chợ. “Nhiều người dân bày bán hàng hóa bừa bãi trong cổng đình nên ngày nào tôi cũng phải ngửi mùi rác rưởi hôi thối, rất khó chịu! Dù họ có quét gọn rác vào một góc nhưng khi chưa chuyển rác đi nơi khác xử lý, ruồi muỗi nhiều vô kể bởi không gian ngập mùi tanh tưởi!” – ông Nguyễn Tất Thủ (Khu 5, bảo vệ của Đình làng Thụy Lôi) chia sẻ.

Ông Nguyễn Tất Phú – Trưởng ban kiến thiết quần thể Đền Sái cũng cho rằng cần sớm dẹp bỏ chợ Cóc này để tránh làm vấy bẩn khu di tích. “Chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để đưa ra phương án dẹp bỏ hoặc di dời chợ Cóc, giúp khu di tích thực sự là chốn linh thiêng an lành!” – ông Phú kiến nghị.

Các hộ buôn bán không những không di dời mà còn hàn mái, cơi nới, lấn sâu vào trong sân Đình
Các hộ buôn bán không những không di dời mà còn hàn mái, cơi nới, lấn sâu vào trong sân Đình

Để làm rõ nội đung được nhân dân phản ánh, nhóm phóng viên Báo TN&MT đã đặt lịch làm việc với Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm và lãnh đạo UBND huyện Đông Anh. Tuy nhiên, đến nay, nhóm phóng viên vẫn không nhận được thông tin phản hồi từ 2 cơ quan trên.

Trong buổi trao đổi ngắn với ông Đào Công Quát – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, nhóm phóng viên hết sức ngạc nhiên bởi mặc dù đã được Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm yêu cầu làm việc với nhóm phóng viên nhưng ông Đào Công Quát lại không hề nắm được thông tin nào liên quan đến khu chợ.

Khi nhóm phóng viên đặt câu hỏi “chợ Cóc hoạt động từ năm nào? Có Hợp đồng hoạt động của chợ không?”, với lý do “mới” nhậm chức từ năm 2011, vị Phó Chủ tịch này cho biết: “Chợ hoạt động lâu rồi, ai mà nhớ được! Hợp đồng tôi không biết vì hình thành lâu rồi!”.

Đặc biệt, chính vị Phó Chủ tịch này cũng khẳng định “Đình làng Thụy Lôi là khu di tích, ai cho phép kinh doanh hoạt động!”, thế nhưng, theo người dân phản ánh, chợ Cóc này đã hoạt động hơn 10 năm nay, chính quyền địa phương đã “bất lực” nên mới không dẹp bỏ hoặc di dời được.

Đề nghị chính quyền địa phương xã Thụy Lâm, UBND huyện Đông Anh sớm vào cuộc để lên phương án tháo dỡ chợ, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường chốn linh thiêng.

Bài & ảnh: Mai Đan – Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Anh (Hà Nội): Chợ cóc "chiếm dụng" khu di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO