Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT nhấn mạnh: Cả hệ thống dự báo phải tiếp tục nỗ lực phục vụ công tác ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão gây ra.
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp |
Mưa dồn dập từ đêm 14/11
Thông tin về diễn biến cơn bão, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, các điều kiện khí quyển, nhiệt lực, động lực cho thấy, bão không có xu hướng mạnh lên, duy trì ở cuối cấp 11, đầu cấp 12 trong 24 giờ tới.
Đến 13 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão ở 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 - 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến kinh tuyến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Theo ông Năng, đến 13 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp |
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ, đi được khoảng 15km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Nhận định tác động do bão, ông Năng cho hay, tổ hợp các hệ thống mô hình cho thấy, khả năng di chuyển lên phía Bắc không còn, trọng tâm ảnh hưởng trực tiếp dọc từ Hà Tĩnh - Quảng Bình, gió mạnh nhất từ tối và đêm mai (14/11).
Cụ thể, từ đêm nay (13/11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-0,8m.
Trên đất liền, từ sáng mai 14/11, trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Theo ông Năng, bão số 13 di chuyển tương đối nhanh, di chuyển chéo bờ nên mưa đến sớm, bắt đầu dồn dập trong đêm mai (14/11). Từ 14-16/11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 350mm; ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to 50-150mm.
Với dự báo mưa như trên, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đưa ra kịch bản dự báo lũ trên các sông Trung Bộ. Theo đó, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Ngàn Sông, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3; hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Ngãi ở mức báo động 1 đến báo động 2; các sông ở Thanh Hoá, Nghệ An còn dưới mức báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi. Đặc biệt cần lưu ý lũ quét, sạt lở đất tại miền núi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Đảm bảo truyền tin thông suốt
Thống nhất ý kiến của các chuyên gia, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, bản tin dự báo KTTV hiện nay tiệm cận theo hướng đưa ra bản tin vùng tác động, vùng tác động từ cấp 6,7 trở lên, vùng tác động cấp 8… đề nghị đơn vị dự báo nghiên cứu, chú trọng các yếu tố tác động của gió, mưa, thời điểm tác động, vùng tác động của cơn bão.
Tổng cục trưởng cũng đề nghị mạng lưới trạm các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh sẵn sàng công tác truyền tin đảm bảo thông suốt trong thời gian bão, lũ xảy ra. Trung tâm Thông tin dữ liệu KTTV kịp thời chuyển phương tiện truyền tin bằng vệ tinh để các Đài KTTV khu vực ở Trung Bộ có thể sử dụng.
Toàn cảnh cuộc họp tại đầu cầu Trung tâm Điều hành tác nghiệp KTTV |
Đánh giá cao tinh thần cố gắng của các đơn vị KTTV từ trung ương đến địa phương trong gần 2 tháng qua đã chiến đấu với thiên tai, bão, lũ dồn dập, Thứ trưởng Lê Công Thành - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ TN&MT đề nghị, cả hệ thống dự báo tiếp tục nỗ lực để dự báo tốt nhất phục vụ công tác ứng phó bão số 13, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão gây ra.
Thứ trưởng lưu ý, với cơn bão số 13, cần cân nhắc hơn vùng ảnh hưởng trực tiếp, các bản tin dự báo cần dễ hiểu hơn, truyền tải tốt hơn những thông tin mang tính kỹ thuật để người dân dễ tiếp nhận nhất.
Lưu ý bão gây gió rất mạnh trên biển, Thứ trưởng đề nghị xem xét các đảo trong vùng ảnh hưởng còn người dân sinh sống và bộ đội đóng quân đưa để đưa vào bản tin dự báo.