Đổi thay nơi “đất lửa”
(TN&MT) - Ai đã từng đặt chân qua mảnh đất Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) hẳn không quên ký ức về vùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vùng giới tuyến ác liệt, chịu nhiều đau thương của cả nước. Bom đạn từng trút xuống mảnh đất này khiến cho không một ngôi nhà, trường học, vườn cây nào còn lành lặn. Nhưng hôm nay, những hố bom, trận địa pháo và cả “vành đai trắng” năm xưa đã được lấp đầy bằng màu xanh của nương ngô, của những vườn bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ. “Đất lửa” đã đổi thay nhiều...
Những ngôi nhà mới
Trong ngôi nhà cấp 4 mới xây còn thơm mùi vôi vữa ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, bà Ngô Thị Việt - người phụ nữ hơn 60 tuổi, nặng không đến 40kg, chân đi cà nhắc, khuôn mặt khắc khổ - đang kể với chúng tôi về nỗi “đoạn trường” vất vả mưu sinh và cả niềm vui trong ngôi nhà mới của mình. Bà nói nhiều năm nay phải sống trong căn nhà nhỏ dột nát, gió lùa tứ phía, luôn có nguy cơ bị thổi bay mỗi trận bão về. Bà Việt kiếm sống từ việc trồng cấy trên diện tích 1 sào ruộng được phân, nuôi mấy con gà và buôn bán thêm hải sản. Trong câu chuyện của mình, bà nhiều lần nhắc đi nhắc lại nỗi khổ tâm của một người phải sống cô đơn tuổi xế bóng. “Có làm thì có ăn, không làm thì không có ăn. Nghĩ đến tuổi già sợ lắm”.
Nhưng mùa mưa bão năm nay, bà Ngô Thị Việt không còn phải lo chằng chống nhà cửa nữa. Với 60 triệu hỗ trợ từ chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, bà vay mượn thêm 20 triệu của người thân trong xóm xây mới ngôi nhà khang trang trên nền ngôi nhà cũ. Nhà mới rộng hơn 40m2, đổ mái bằng, phía trước lợp tấm Proximang, bên cạnh có giếng khoan mát lạnh. Bà Việt vui mừng cho biết, có ngôi nhà mới là ước mơ từ rất lâu của bà, nhờ nó mà chất lượng cuộc sống được nâng lên. Bà mong muốn Nhà nước quan tâm sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm lao động sản xuất.
Ở không xa nhà bà Việt, gia đình anh Nguyễn Như Khoa, thôn Tân Thuận, xã Vĩnh Thái có 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 con nhỏ. Anh Khoa cho biết, thôn Tân Mật chỉ cách biển khoảng 300m nên gần như gia đình nào cuộc sống cũng ít nhiều gắn với biển. Gia đình anh không có ruộng sản xuất, nên vợ đi buôn bán hải sản, anh mở tiệm sửa chữa xe máy tại nhà. Anh Khoa nói, gia đình anh là một trong những gia đình đầu tiên chuyển ra sinh sống ở khu vực này. Do gần biển nên vào mùa mưa bão, cán bộ xã thường xuyên phải mang loa đi khắp thôn nhắc nhở bà con chằng chống nhà cửa, lo gió bão cuốn tốc mái, di dời khi có bão lớn. “Năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các nhà tài trợ, gia đình anh đã thêm tiền để xây dựng ngôi nhà mới trị giá 200 triệu đồng. Giờ yên tâm hơn hẳn, không phải lo lắng gì khi mùa mưa bão về”, anh Khoa phấn khởi nói.
Vĩnh Thái là một xã bãi ngang nằm trãi dọc ven biển với chiều dài hơn 14km. Toàn xã có 888 hộ với hơn 3.400 nhân khẩu được phân bổ trong 7 khu dân cư. Điều kiện sản xuất phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong toàn xã chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản ven bờ, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ. Những năm qua, tình hình thời tiết, khí hậu, thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và thu nhập của nhân dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người đạt thấp so với mặt bằng chung của huyện, nhiều ngư dân gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Linh Trần Quốc Toản đánh giá, sự hỗ trợ của chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” đã thắp lên niềm hy vọng về cuộc sống mới cho nhiều ngư dân Vĩnh Thái gặp khó khăn về nhà ở như gia đình bà Ngô Thị Việt, anh Nguyễn Như Khoa - 2 trong số 20 hộ ở xã được hưởng lợi từ chương trình. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống nhiều hộ ngư dân, giúp xoá đói giảm nghèo và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn
Nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Linh giáp huyện Hướng Hoá ở phía Tây, giáp huyện Gio Linh ở phía Nam, giáp huyện Lệ Thuỷ (tỉnh Quảng Bình) ở phía Bắc và giáp Biển Đông ở phía Đông. Huyện có diện tích hơn 624km2, dân số hơn 90 nghìn người, phân bố trên 3 thị trấn, 19 xã. Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Vĩnh Linh được mệnh danh là vùng đất lửa, lũy thép anh hùng. Hơn nửa triệu tấn bom đạn đã trút lên mảnh đất nhỏ bé này. Với ý chí tồn tại mãnh liệt và khát vọng chiến thắng, quân và dân Vĩnh Linh quyết tâm một tấc không đi, một ly không rời, làm nên kỳ tích làng hầm với huyền thoại sống trong lòng đất.
Gần 50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Vĩnh Linh đang từng ngày xây dựng quê hương giàu đẹp. Dù vậy, kinh tế của huyện hiện vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đánh bắt hải sản, chế biến gỗ và một số ngành công nghiệp khác. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vào đầu năm 2023 cho thấy, huyện còn 1.849 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều/tổng số 27.222 hộ, chiếm tỷ lệ 6,79%. Trong đó, hộ nghèo 787 hộ, chiếm tỷ lệ 2,89%; hộ cận nghèo 1.062 hộ, chiếm 3,9%. Phân tích 787 hộ nghèo theo nguyên nhân ở huyện cho thấy, có 233 hộ không có đất sản xuất; 196 hộ không có vốn sản xuất, kinh doanh; 322 hộ không có lao động; 133 hộ không có công cụ/phương tiện sản xuất…
Phát huy tinh thần anh hùng bất khuất trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, hôm nay, người dân Vĩnh Linh lại đoàn kết, quyết tâm trong công cuộc phát triển kinh tế -xã hội. Thống kê cho thấy, năm 2022, huyện có 20 chỉ tiêu/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước thực hiện đạt và vượt so với năm 2021. Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) ước tăng 11,07% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 8,31%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 10,85%, khu vực thương mại - dịch vụ ước tăng 12,30%. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 285 tỷ đồng, tăng 18,4%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm ước đạt 2.337 tỷ đồng, tăng 258 tỷ đồng so với năm 2021.
Bên cạnh đó, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện ước đạt 38.198 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 50,4 tạ/ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 869,7 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.292 tấn; sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 3.729. Kết quả rà soát sơ bộ theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều bình quân toàn huyện ở mức 2,98%, giảm 1,03%; trong đó xã Vĩnh Ô giảm 10,41%, Vĩnh Khê giảm 4,63%, xã Vĩnh Hà giảm 2,60%. Đặc biệt, Vĩnh Linh có 142/149 thôn, bản, khu phố được công nhận văn hóa; 113/113 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt danh hiệu văn hóa.
Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Linh Trần Nhật Quang nhấn mạnh, Vĩnh Linh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 2 lĩnh vực đột phá, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/người/năm. Hiện tại toàn huyện có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Tiển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, 2 lĩnh vực đột phá
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, huyện Vĩnh Linh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện từ 0,5- 1% so với năm trước. Trong đó, xã Vĩnh Ô phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều giảm trên 28%, Vĩnh Khê giảm trên 13%, Vĩnh Hà giảm trên 14%. Trên toàn huyện, phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; Bên cạnh đó, huyện cũng đề ra chỉ tiêu 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia Bảo hiểm y tế; 40% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 30% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh…
Để đạt mục tiêu này, Vĩnh Linh chủ trương thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vào cuối tháng 4/2023, UBND huyện Vĩnh Linh đã phê duyệt và hỗ trợ kinh phí thực hiện 34 mô hình giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, với tổng kinh phí 1,870 tỷ đồng. Các mô hình chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, dê, nhằm giúp các xã miền núi phát triển về kinh tế, tạo lợi thế hoàn thành 19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, Vĩnh Linh xác định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 cùng với các đề án, kết luận đã được Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND huyện thông qua. Theo đó, huyện sẽ tập trung vào các nhóm ngành có thế mạnh, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng bền vững và phát triển các vùng sản xuất tập trung, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội sẽ phát triển theo hướng toàn diện, đồng bộ; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Ngày hòa bình, người Vĩnh Linh bước ra từ đổ nát hoang tàn, đứng lên dựng xây cuộc sống mới. Khí phách của những người con đất nơi đây lại một lần nữa tỏa sáng trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cởi mở đón nhận làn gió của công cuộc đổi mới đất nước. Giờ đây, khi những năm tháng chiến tranh đã qua đi, Vĩnh Linh đang từng ngày đổi mới, đi lên, khoác lên mình những màu sắc tươi vui, rực rỡ, những hương thơm ngọt ngào, căng tràn sức sống. Đó là khi chất “thép” trong mỗi người dân Vĩnh Linh được phát huy cao độ trong thời bình.
Trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, Vĩnh Linh đã huy động được khoảng 328,9 tỉ đồng để đầu tư xây dựng các phần việc, hạng mục. Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 86,7%; trong đó có 3 xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao đang chờ thẩm định và công nhận; có 4 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 44 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 24 vườn đạt chuẩn vườn mẫu; xã Vĩnh Ô đã cơ bản đạt 13 tiêu chí nông thôn mới và xã Vĩnh Khê đạt 15 tiêu chí.