Xã hội

Đổi Tết lấy mùa xuân

Bút ký của Nguyễn Dương Mộc Hương 09/02/2024 18:56

(TN&MT) - Ở nơi nằm cách xa đất liền hàng trăm cây số nhưng Côn Đảo không gợi lên cảm giác xa xôi,

con-dao.png
1(3).png

Ở nơi nằm cách xa đất liền hàng trăm cây số nhưng Côn Đảo không gợi lên cảm giác xa xôi, một phần cũng bắt đầu từ câu nói của Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Văn Trà: “Nếu chạm đến điểm cuối cùng ở tầng đáy đại dương sẽ thấy biển, đảo và đất liền liền một dải. Con đường có thể khác nhau. Nhưng chúng ta không cách biệt”.

Trong triết lý nhân sinh, mỗi loài đều có một con đường của riêng mình. Con đường của loài rùa Côn Đảo là đại dương. Đại dương là sinh cảnh chính của rùa biển, là thức ăn, là hành trình di cư kinh ngạc bí ẩn, là giao phối duy trì giống nòi… Chỉ đến mùa đẻ trứng, chúng mới tìm lên đất liền nương náu.

a1.png
Tác giả trải nghiệm thả rùa về biển tại Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo

Mùa rùa đẻ trứng bắt đầu từ khoảng tháng Tư, kéo dài cho đến tầm tháng Mười dương lịch, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn tùy vào thời tiết. Nhiều nghiên cứu đều cho thấy hầu như loài rùa Côn Đảo dùng cả thanh xuân chỉ để đẻ trứng và di cư. Cả cuộc sinh nở cũng trải qua một chuyến đi dài dặc từ môi trường kiếm ăn lên đất liền. Chuyến đi ấy không tính bằng chiều dài quãng đường mà trong bước độc hành chứa chất những linh cảm loài, những dự cảm về thời tiết, thủy triều, những cảnh giác bản năng, những ký thác tin cậy, những kỳ vọng giống nòi,... và hơn 99,9% cuộc sinh nở đều diễn ra vào đêm.

Thường chúng sẽ dựa lúc thủy triều lên bơi vào gần bãi cát, quan sát địa hình và tìm nơi làm tổ. Đã từng nhiều năm công tác tại Vườn Quốc gia Côn Đảo và làm nhiệm vụ cứu hộ rùa biển nhưng mỗi lần chứng kiến cuộc sinh nở chật vật của rùa là mỗi lần kiểm lâm viên Nguyễn Huy Đô không kìm được lòng mình. Từ những bước di chuyển nặng nhọc lên bãi cát, từ lúc loay hoay làm tổ cho đến quãng đường trở ra biển sau sinh… tất cả đều khiến Đô liên tưởng đến mẹ, đến cuộc chuyển dạ của những người phụ nữ.

6(1).png

Trong số chúng không phải mẹ rùa nào cũng tìm ngay được vị trí lý tưởng để làm tổ. Có những con đào vào chỗ vướng rễ cây hoặc ngửi thấy mùi không an toàn là chúng bỏ tổ đi làm tổ mới. Có khi loay hoay cả đêm mới tìm được nơi ưng ý. Đến lúc đó thì thủy triều xuống rồi, nước cạn nên nhiều con rùa đẻ xong quay lại biển phải bò qua một đoạn bãi cạn, đá và san hô. Có những con cả đêm không làm được tổ phải ôm bụng trứng nặng quay ra biển trên con đường khó khăn ấy. Bụng và vây của chúng bị xây xước hết.

2.1.-rua-me-de-trung-o-vqg-con-dao-dau-nam-2024.jpg
Rùa mẹ đẻ trứng ở VQG Côn Đảo đầu năm 2024
3.3.-rua-con-moi-no-tu-ho-ap-trung-trong-khuon-vien-six-senses.png
Rùa con mới nở từ hồ ấp trứng trong khuôn viên Six Senses

Đô nói: “Em đã nhìn thấy những vết máu của chúng để lại trên đường đi…”.

Nhưng những con rùa không lành lặn còn đáng thương hơn. Với những rùa mẹ bị tật ở vây, việc bới đất làm tổ của nó chật vật vô cùng, nhất là công đoạn khoáy tròn vòng tổ đủ 2 nấc to trên nhỏ dưới. “Chị phải chứng kiến một con rùa mang bụng trứng tự đào tổ cho mình rồi sinh nở nhọc nhằn chị mới hiểu cảm giác của em. Mặt mũi nó lúc sinh lấm đầy cát và dãi và cả nước mắt. Rùa cũng biết khóc chị ạ. Không biết nó khóc vì mệt vì đau hay vì lý do gì”.

2.2.-mot-rua-me-de-xong-chua-kip-quay-ra-bien.png
Một rùa mẹ đẻ xong chưa kịp quay ra biển

Em có đọc đâu đó trong một tài liệu rằng đối với loài rùa biển, cơ thể của chúng chứa rất nhiều muối, vì vậy, mỗi khi lên bờ, chúng sẽ phải đào thải muối để cân bằng. Nhưng em lại chần chừ giải thích điều đó, em sợ chạm vào những tình cảm thánh thiện trong trái tim Đô. Và cũng có thể biết đâu là bạn ấy đúng. Bởi vì, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh Trần Mạnh Hùng cũng xác nhận với em rằng, đã hàng nghìn đêm canh rùa đẻ nhưng anh ấy thấy không phải con rùa nào cũng khóc. Nước mắt rùa và cuộc sinh nở nhọc nhằn của chúng là lý do níu kéo những người như anh ấy, như Đô, như rất nhiều cán bộ nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo một cách tha thiết mà không vì điều kiện gì. Họ chọn công việc này vì nhiệm vụ, nhưng hơn hết, họ làm vì tình yêu thương: “Nói thế này để em dễ hình dung, cứu hộ rùa là nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo, trong đó có Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh của anh và trong đó có anh. Nhưng ở đây còn có một trung tâm cứu hộ rùa biển đặt ở Khu Nghỉ dưỡng Six Senses, họ làm đâu có phải vì nhiệm vụ!”.

7.png

Câu nói của Trạm trưởng Trần Mạnh Hùng khiến em giống như một con rùa mùa sinh nở, loay hoay đi tìm bằng được “cái tổ” mang tên Six Senses để mong mở ra câu trả lời của mình. Em đã chứng kiến cảm giác hồi hộp của nhân viên an ninh Six Senses khi lắng nghe sự sống cựa mình trong lòng đất, em đã cuốn theo không khí trịnh trọng và náo nức chuẩn bị thả rùa con ra biển… Và em đã gặp anh trong khuôn viên Six Senses đóng ở Đất Dốc - nơi được cho là bãi đẻ lý tưởng và cũng là nơi đặt trung tâm ấp trứng rùa của Six Senses. Cuộc gặp vội vàng nhưng những gì em được trải nghiệm, được nghe, được nhìn, được thấy những ngày qua cho em niềm tin, rằng anh và những người cùng chí hướng như anh đã yêu tha thiết công việc cứu hộ này.

Đúng là trong cuộc mưu sinh và lớn dậy thành NGƯỜI, mỗi con người đều chọn cho mình một con đường. Nếu chung lý tưởng, cùng quan điểm, sở thích, đam mê, con đường đó có thể bắt đầu bằng nhiều ngả, sẽ đi qua những đoạn thử thách, để lại những dấu chân tử tế, để rồi trập vào nhau ở đường lớn - Đường tình yêu.

2(3).png

Anh yêu Tổ quốc mình theo cách riêng và anh đã lựa chọn trở về. May mắn sao khi “chấm” Côn Đảo làm điểm dừng chân, vùng đất ấy đã hội đủ tiêu chí để anh vừa được thể hiện trách nhiệm đóng góp, vừa được thỏa nguyện đam mê... Các công việc ở đây đều cho anh cơ hội trả ơn thiên nhiên, cứu hộ rùa cũng là một phần công việc ân huệ ấy.

Người đàn ông của hơn 30 năm vững vàng dày dạn ở thương trường đủ các quốc gia, vậy mà khi nhắc đến rùa, lại run lên trong cảm xúc thanh tân. Anh nói nếu môi trường ở Côn Đảo níu chân anh 10 phần thì trong 10 phần ấy, cái níu chân của loài rùa làm anh ám ảnh nhất. Anh luôn biết ơn cuộc đời đã cho anh là công dân Việt để anh tự hào về Tổ quốc, biết ơn Côn Đảo đã cho anh được làm những gì có thể để bảo tồn sự trong veo nguyên sơ của nó và biết ơn rùa đã cho anh những cảm xúc mềm lòng thôi thúc phải chở che.

3.2.-dua-rua-con-vua-no-ra-khoi-ho-ap-o-six-senses.jpg
Đưa rùa con vừa nở ra khỏi hồ ấp ở Six Senses
4(1).png

Anh vẫn nói với em sự so sánh là khập khiễng vô cùng, biết thế nào là hơn là thiệt. Bởi làm các phép tính về lợi nhuận đầu tư thì công cuộc đầu tư chuỗi du lịch Six Senses theo mô hình sinh thái và vận hành nó bằng phương thức kinh tế tuần hoàn như Six Senses đang vận hành là công cuộc đầu tư phi lợi nhuận. Nhưng, anh đủ tự tin để duy trì, phát triển nó một cách tốt nhất với tham vọng cùng Vườn Quốc gia đưa Côn Đảo trở thành điểm sáng phát triển xanh bền vững, là địa chỉ thu hút du lịch sinh thái uy tín nhất, là nơi có tài nguyên thiên nhiên giàu có nhất, được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, có môi trường an toàn nhất, là sinh cảnh tốt nhất của các loài và đặc biệt là rùa biển. Cái được lớn nhất của anh là được làm người tử tế và được làm điều tử tế để chạm vào những mục tiêu này.

Anh ạ. Tử tế là mạch sống của thế gian. Sống vì những điều tử tế cuộc sống ý nghĩa hơn, nhưng sống vì những điều tử tế cuộc sống cũng khó khăn hơn, thậm chí là đánh đổi, gác lại lo toan, niềm vui, hạnh phúc riêng tư.

3(1).png

Ngay Tết này đây, có rất nhiều cán bộ, nhân viên, kiểm lâm viên Vườn Quốc gia không có mặt trong cuộc đoàn viên gia đình mà ở lại trực Tết, thâm niên như Giám đốc Vườn Quốc gia Nguyễn Khắc Pho, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Nguyễn Văn Trà, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh Trần Mạnh Hùng, Kiểm lâm viên Trần Thái Bình, Trần Quang Thêm, Nguyễn Đình Lý, ít hơn một chút do tuổi nghề chưa lâu như Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đất Thắm - Bãi Bàng Nguyễn Văn Hiếu, Kiểm lâm viên Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Huy Đô…

Giờ không phải mùa đẻ trứng của rùa. Nhưng sẽ là mùa của các đối tượng săn bắt hoành hành, nhất là mấy ngày Tết. Hơn thế, ở vào vị trí địa lý đảo tiền tiêu của Tổ quốc, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc cùng các lực lượng vũ trang đảm bảo tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển đảo. Để giữ mùa xuân trọn vẹn, Tết của những cán bộ kiểm lâm sẽ là cái Tết xa nhà.

2.3.-nhung-chu-rua-no-dip-gan-cuoi-nam-o-hon-bay-canh-vqg-con-dao.jpg
Những chú rùa nở dịp gần cuối năm ở hòn Bảy Cạnh, VQG Côn Đảo
2.5.-het-mua-ap-trung-rua-can-bo-nhan-vien-vqg-con-dao-se-dao-cat-lam-ve-sinh-ho-ap-de-tang-ty-le-no-va-ty-le-song-cho-rua-con.jpg
Hết mùa ấp trứng rùa, cán bộ nhân viên VQG Côn Đảo sẽ đảo cát làm vệ sinh hồ ấp để tăng tỷ lệ nở và tỷ lệ sống cho rùa con
3.1.-ho-ap-trung-rua-dep-nhu-cong-vien-o-six-senses.png
Hồ ấp trứng rùa đẹp như công viên ở Six Senses

Hiếu - Trạm trưởng Trạm Kiểm Lâm Đất Thắm - Bãi Bàng có 9 năm công tác thì 7 năm ở lại ăn Tết Trạm. Trong năm, Hiếu vừa xây dựng gia đình. Theo tiêu chuẩn thì Hiếu sẽ được về vui duyên mới và chăm sóc vợ sau đợt vợ ốm nhập viện vắng chồng. Nhưng, anh xung phong ở lại. Hài lòng nhất với Hiếu là anh đã động viên vợ vào ăn Tết Trạm cùng mình.

Đức có 10 năm công tác thì cả 10 năm không đón giao thừa ở nhà. Hậu, Tình, Trung… có điều kiện hơn một chút, đó là nhà gần nên mấy ngày Tết, vợ con có thể đi tàu ra đảo ăn Tết cùng chồng. Ấy là vào dịp biển tạm êm. Còn nếu vào những ngày biển động, đỉnh sóng cao thì chỉ có chúc Tết qua điện thoại. Mà ở những Trạm như Đất Thắm, điện thoại cũng chỉ có thể nghe được khi nó được để duy nhất ở một vị trí trong một chiếc hộp đặt trên chót hành lang tầng 2.

z5064945169330_b6692659c7ea01ff662c8589445809ea.jpg
Chiếc hộp đặt trên chót hành lang tầng 2 - nơi duy nhất tại Trạm có sóng điện thoại

Trạm trưởng Trần Mạnh Hùng lại có thêm một lý do riêng tư khác để không ăn Tết ở nhà, đó là ngoài việc trực đảm bảo an toàn theo nhiệm vụ thì anh còn “dự phòng” đón những bà mẹ rùa xông đất đầu năm. Năm 2022, đêm mùng 1 sang ngày mùng 2 Tết, trong khi đi tuần tra, anh đã bắt gặp một bà mẹ rùa lên Bãi Cạnh đẻ trứng. Và chỉ 2 tuần vừa qua, Vườn đã đón hơn chục mẹ rùa. Vào mùa sóng lớn như thế này, nếu không phát hiện ra và kịp thời di chuyển trứng về hồ ấp thì có thể sóng sẽ trùm lên làm úng cả ổ trứng rùa. Công việc đầu năm ấy mới thấm thía ý nghĩa làm sao. Nó như tiếp thêm động lực, thêm lý do để các anh gắn bó với nhiệm vụ và tạm thời quên… Tết.

Anh trầm xuống nghe em kể chuyện nhưng ánh mắt thì ngập tràn nỗi xúc động và hạnh phúc. Anh gọi những cán bộ, kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Côn Đảo là những người đổi Tết lấy mùa xuân. Anh gọi cuộc gặp giữa anh và Giám đốc Nguyễn Khắc Pho, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nguyễn Văn Trà và những con người cùng chí hướng là cuộc gặp định mệnh, là bước ngoặt vô cùng đúng đắn trong cuộc đời anh. Lý do anh bắt tay cùng Vườn Quốc gia trong việc bảo tồn thiên nhiên Côn Đảo và bảo hộ rùa vì các anh đã tìm thấy ở nhau tiếng nói chung, tình yêu chung, và anh hạnh phúc khi thấy mình không đơn độc.

5(1).png
ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-3-.png

Đổi Tết lấy mùa xuân - những khái niệm hiện hữu ở đây đã vượt lên giới hạn thời gian, nó còn mang ý nghĩa lớn lao về việc hy sinh lợi ích trước mắt cho những giá trị dài lâu, hy sinh nhu cầu riêng tư vì cái chung. Anh không gọi sự cống hiến của mình là hy sinh vì anh nói nó chưa thấm vào đâu so với những gì mà Vườn Quốc gia cống hiến. Nhưng em lại nghĩ khác. Sẽ ra sao khi trong vòng tròn sinh thái có những thành phần trật ra khỏi vòng quay hoặc đi ngược lại với mục tiêu chung. Đây đó không hiếm thực tiễn nhỡn tiền về sự xâm thực thô bạo vào thiên nhiên và chính con người phải trả giá khi môi trường sinh thái suy giảm. Điều đó không thể và không chấp nhận được nếu diễn ra ở vùng đất thiêng Côn Đảo. Sẽ hơi quá lời khi em ví Vườn Quốc gia và Six Senses là 2 cột cái để bất cứ ai có ý định xâm phạm thiên nhiên, đầu tư phát triển bỏ qua yếu tố thiên nhiên, môi trường đều phải khựng lại soi chiếu vào sự cống hiến hy sinh và các giá trị kinh doanh bền vững. Vậy nên, đầu tư vào thiên nhiên như Six Senses cũng như cách mà những cán bộ nhân viên Vườn Quốc gia đang thực hiện nhiệm vụ là cách đầu tư theo phương châm: Đổi Tết lấy mùa xuân.

Côn Đảo tầm này đang mùa gió chướng. Những vạt rừng xanh bắt gió đồng loạt ngả vàng. Những hàng bàng cổ thụ đỏ lựng lên trong gió nghịch. Và sóng dữ. Sóng dựng cao như thử thách sự kiên nhẫn, tử tế của con người. Sóng trườn qua Tết.

Em nhớ về chuyến đi ý nghĩa vừa qua.

ban-sao-cua-chat-luong-nuoc-mat-moi-lo-ngai-lon-2-(1).png
Du khách quốc tế chứng kiến đàn rùa con về với biển tại Six Senses Côn Đảo. Ảnh: Việt Hải

Có lẽ em sẽ không bao giờ quên cánh mắt của anh khi nói về rùa. Không bao giờ quên hình ảnh người đàn ông kiên nhẫn nhắc khách lưu trú tắt bớt đèn đêm bên bờ sóng Six Senses vì rùa dị ứng ánh sáng. Không quên mái che ở hồ ấp rùa do tự tay anh dựng và những câu chuyện thấm đẫm tình người ở Six Senses mà em sẽ có dịp viết lại tỉ mỉ ở một bài viết khác.

Cũng như không thể quên đường tuần tra rộng tày 2 gang tay và dốc trên 30 độ mà các kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Côn Đảo đi tuần rừng. Không quên cột sóng bạc đầu ngăn cách mùa gió chướng. Gương mặt đăm chiêu lo toan của Trà. Hình ảnh của Hiếu bên “bốt điện thoại” tầng 2. Hay giọt nước mắt của Đô, ánh mắt tràn ngập xúc động của Trạm trưởng Trần Mạnh Hùng.

Vẳng bên tai em lời hát của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo: “Đêm đêm trong tiếng máy bộ đàm/ Hát lên nào sưởi ấm lòng nhau/ Nghe tiếng rừng thì thầm trong gió/ Ngắm hoàng hôn mà nhớ đất liền”…

Anh đã ví thiên nhiên Côn Đảo như cuốn tàng thư giấu trong mình bí mật của muôn loài. Còn với em, anh và những người đồng hành trên con đường bảo vệ thiên nhiên cũng như một ẩn số chỉ có thể được giải đáp bằng 2 từ tử tế. Em có lời hẹn sẽ trở về thăm Côn Đảo trong một ngày gần nhất. Em đã dặn lòng mình phải sống tử tế hơn. Với em, chuyến thăm Côn Đảo vừa rồi giống như một đặc ân bởi em có cơ hội được thu nạp năng lượng tích cực để làm giàu cho sự tử tế của mình. Vì vậy, nhất định em sẽ quay trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi Tết lấy mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO