Ngành TN&MT

Đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ TN&MT: Từ Nghị quyết đến hành động

Trường Giang (thực hiện) 14/02/2024 - 21:01

Những nỗ lực đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn về tài nguyên và môi trường đã được Bộ TN&MT nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua.

Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT nhấn mạnh, những năm gần đây, thực hiện các Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT và Đảng ủy Bộ TN&MT và việc đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, Thanh tra Bộ đã xác định việc đổi mới thực chất, không phải là khẩu hiệu, qua đó đã có những đổi mới về công tác này và đã thu được nhiều hiệu quả đáng ghi nhận. Đó là: Nâng cao chất lượng các đoàn thanh tra, rút ngắn thời gian thực hiện thanh, kiểm tra, nhiều vụ việc UBND tỉnh đã rút quyết định hành chính bị khiếu nại, công dân rút đơn khiếu nại. Nhân ngày đầu Xuân mới, ông Lê Vũ Tuấn Anh đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng và kết quả đạt được sau nhiều đổi mới trong công tác thanh, kiểm tra của Bộ TN&MT thời gian qua.

1.jpg
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT

Thanh tra, kiểm tra là một công cụ quan trong trong quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, nhằm phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa xử lý những vi phạm, bảo đảm để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tuân thủ và chấp hành pháp luật. Việc đổi mới thanh, kiểm tra về tài nguyên và môi trường đã được thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Lê Vũ Tuấn Anh:

Thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ về đổi mới trong công tác thanh, kiểm tra trong những năm qua, Thanh tra Bộ quán triệt đổi mới triệt để công tác thanh tra bằng nhiều giải pháp và cụ thể. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn luôn được rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên để các Phòng chuyên môn chủ động đổi mới triệt để ngay từ bước chuẩn bị đến khi hoàn thành từng cuộc thanh tra, kiểm tra hoặc từng vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, Thanh tra Bộ đã có nhiều đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra. Trước hết về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn tổ chức nắm bắt, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các địa phương trên cả nước để phục vụ cho việc xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ. Trong quá trình nắm bắt, thu thập thông tin, tài liệu được triển khai thường xuyên thông qua làm việc với các Sở TN&MT, qua các phương tiện thông tin truyền thông và phản ánh của người dân.

Bên cạnh đó, hàng năm, Thanh tra Bộ tổ chức từ 3 - 5 Đoàn công tác làm việc với các Sở TN&MT về các khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên và môi trường và đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường. Các Phòng Thanh tra khu vực chủ động nắm bắt các thông tin thuộc khu vực địa bàn được phân công để đề xuất các nội dung, kế hoạch thanh tra.

Bố trí cán bộ thường trực trong giờ hành chính trực đường dây nóng tại Thanh tra Bộ để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân; đồng thời, Thanh tra Bộ cũng tổ chức tiếp nhận các ý kiến được người dân gửi đến qua địa chỉ email của Thanh tra Bộ.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ thường xuyên phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường để nắm bắt các thông tin vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường (việc phối hợp này được thực hiện hàng ngày hoặc nhiều lần trong ngày tùy theo số lượng và tính chất của thông tin); các thông tin được ghi nhận, tổng hợp, đánh giá để có thể đưa vào các nội dung thanh tra, kiểm tra trong kế hoạch hàng năm; đồng thời, sẽ xem xét tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời rà soát, xử lý chồng chéo và trình Bộ ban hành điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm 2023, sau khi Kế hoạch thanh tra được Bộ trưởng phê duyệt, Thanh tra Bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai, phân công chi tiết đến Lãnh đạo thanh tra và các phòng chuyên môn để triển khai. Với tinh thần hạn chế thời gian thanh tra trực tiếp tại địa phương, ngay từ đầu năm, các phòng chuyên môn được giao chủ trì các nhiệm vụ đã chủ động xây dựng các đề cương, biểu mẫu báo cáo, đề nghị các đối tượng được thanh tra cung cấp hồ sơ tài liệu và tổ chức nghiên cứu để chuẩn bị cho cuộc thanh tra. Các Phòng chuyên môn và cán bộ được giao nhiệm vụ sau khi thu thập hồ sơ, tổ chức nghiên cứu và xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung chi tiết tiến hành cuộc thanh tra và bảo vệ trước tập thể Lãnh đạo thanh tra về đề xuất của mình.

Sau khi tập thể Lãnh đạo thanh tra nghe và cho ý kiến góp ý đối với từng nội dung, từng đối tượng của cuộc thanh tra và thống nhất về Kế hoạch chi tiết triển khai của từng đoàn thanh tra thì sẽ trình ban hành Quyết định thanh tra và triển khai cuộc thanh tra. Việc họp bàn về triển khai từng cuộc thanh tra, kiểm tra có thể được tổ chức nhiều lần nếu như chưa đáp ứng được yêu cầu đã đặt ra.

Ngoài ra, hàng năm Thanh tra Bộ còn tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ thanh tra của ngành từ cấp cơ sở. Thông qua công tác thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đất đai, đã thực hiện trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và tổng hợp, trả lời những vướng mắc, bất cập trong thi hành công vụ. Qua đó đã rà soát và đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.

Từ những đổi mới trong xây dựng Kế hoạch và triển khai công thanh tra, kiểm tra trên, Kế hoạch chi tiết triển khai của từng đoàn thanh tra, kiểm tra đã đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung, đã rút ngắn được 40 - 50% thời gian trực tiếp làm việc tại địa phương hoặc tại địa bàn thanh tra, kiểm tra, cuộc thanh tra; đồng thời đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả; thời gian ban hành kết luận thanh tra đảm bảo theo yêu cầu.

Nhờ đó, Thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ đã cơ bản hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 với tổng số 160 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 495 tổ chức được triển khai. Trong đó có 2 cuộc thanh tra Hành chính, 3 cuộc thanh tra kết hợp nhiều lĩnh vực, 66 cuộc kiểm tra chuyên ngành theo Kế hoạch và 89 cuộc kiểm tra đột xuất. Qua thanh tra, kiểm tra đến nay đã ban hành 138 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 57 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất đã được thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ trưởng, trong kỳ đã thực hiện 89 đột xuất/160 cuộc (chiếm 56%) và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Vậy còn công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo chúng ta đã thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Lê Vũ Tuấn Anh:

Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, từ năm 2020, Thanh tra Bộ đã quán triệt triển khai việc đổi mới công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, cụ thể: Đã chỉ đạo Phòng tiếp dân và xử lý đơn thư phối hợp với các Phòng của Thanh tra Bộ đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xử lý triệt để các vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

img_2300.jpg
Quang cảnh buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng của lãnh đạo Bộ TN&MT

Công tác tiếp công dân được Bộ thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật về tiếp công dân, bố trí cán bộ có chuyên môn, năng lực, tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm Tiếp công dân của Bộ. Quá trình tiếp công dân tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để công dân hiểu, chấp hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. Việc tiếp công dân định kỳ được Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ đảm bảo thực hiện theo quy định.

Đặc biệt, việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư được Bộ thực hiện theo quy định của pháp luật. Đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Bộ đã được nhập, theo dõi trên hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, được phân loại, xử lý theo quy định, đối với đơn thư thuộc thẩm quyền, đơn Thủ tướng Chính phủ giao thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật; đối với đơn thư không thuộc thẩm quyền đã kịp thời hướng dẫn, chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định, hầu như không xảy ra tình trạng đơn thư tồn đọng.

Về công tác giải quyết khiếu nại, Thanh tra Bộ chú trọng công tác chuẩn bị tiến hành xác minh vụ việc. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền hoặc Thủ tướng Chính phủ giao, trước khi triển khai Bộ có Văn bản thông báo cho đương sự việc thụ lý giải quyết, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh và đương sự cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu, chứng cứ giải quyết khiếu nại, trên cơ sở đó thống nhất phương án, nội dung cần thẩm tra xác minh, tài liệu, hồ sơ, chứng cứ cần thu thập. Việc làm này rất hiệu quả, giúp cho các Đoàn khi xác minh có trọng tâm, trọng điểm, rút ngắn thời gian làm việc tại địa phương, đồng thời là hình thức đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ, nhất là người được phân công làm Trưởng đoàn cảm thấy tự tin và yên tâm khi triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại luôn chú trọng công tác đối thoại, hòa giải và tuyên truyền chính sách pháp luật để công dân hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại.

Từ những đổi mới trong giải quyết khiếu nại, đã góp phần hòa giải thành công nhiều vụ giải quyết tranh chấp đất đai đã giúp cho tiết kiệm thời gian, kinh phí và không phải ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại. Qua đối thoại có nhiều vụ việc UBND tỉnh đã rút quyết định hành chính bị khiếu nại, công dân rút đơn khiếu nại. Do đó, số vụ việc đã đình chỉ giải quyết khiếu nại lên tới 62% số vụ việc đã giải quyết thuộc thẩm quyền.

Trong năm 2023, Thanh tra Bộ cũng đã tập trung thẩm tra, xác minh 100% các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Qua đó đã có báo cáo 10/14 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và có văn bản giải quyết 28/115 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ (trong đó có 58 vụ việc cùng 01 nội dung). Bộ cũng đã tiếp nhận 399 thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng và email. Bộ đã ban hành 96 văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý thông tin đủ điều kiện xử lý và hướng dân công dân theo quy định và đã hướng dẫn trực tiếp 134 thông tin.

Xin ông cho biết, Thanh tra Bộ sẽ có những có chỉ đạo gì để tiếp tục thực hiện đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới?

Ông Lê Vũ Tuấn Anh:

Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới cụ thể sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt, thu thập thông tin, tài liệu, tổ chức làm việc với các Sở TN&MT để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và để phục vụ cho công tác xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kịp thời triển khai thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các Đoàn thanh tra, kiểm tra đảm bảo các cuộc thanh tra, kiểm tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nhất là việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc ban hành báo cáo, kết luận thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; chấp hành nghiêm các quy định về công tác tổng hợp, báo cáo.

Thực hiện nghiêm Luật tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả. Duy trì thường xuyên trực, tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng của Bộ. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng.

Ngoài ra, hàng năm sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường về công tác thanh tra từ cấp xã, huyện và Sở.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ TN&MT: Từ Nghị quyết đến hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO