Đổi mới hoạt động Giải báo chí Quốc gia để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số
(TN&MT) - Sáng 16/11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024.
Giải Báo chí Quốc gia có sức hút ngày càng lớn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 21/4/1950, đến nay đã có 73 năm trưởng thành và phát triển. Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ.
Nổi bật là các quyết định, chương trình, đề án hỗ trợ các tác phẩm báo chí mà gần đây nhất là Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025”.
Mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hằng năm.
Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây.
Theo ông Lê Quốc Minh, trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia
Để giải quyết những thách thức trên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu, các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phát huy tinh thần xây dựng, tích cực tham luận và đóng góp ý kiến, tập trung đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải; làm rõ phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Đồng thời, đánh giá về đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương; về việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.
Đề cập đến chất lượng Giải báo chí Quốc gia, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội nhà báo Việt Nam cho biết, Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.
Tác dụng to lớn đó đúng theo tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” và sau đó là Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.
Tuy vậy, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội nhà báo Việt Nam cho rằng thành công là cơ bản nhưng so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới như vậy thì Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.
Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 6/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Giải báo chí Quốc gia cũng cần bắt kịp xu hướng quan trọng và cấp thiết này.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự hội tụ các phương tiện truyền thông, thể loại báo điện tử trên mạng Internet đã trở thành đội quân tiên phong, chiếm lĩnh “trận địa thông tin” nhờ đặc thù trực tuyến (online), sự tương tác mạnh mẽ, tốc độ lan truyền nhanh, tác động rộng rãi đến công chúng.
Bà đề nghị: "Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí, với nhiều phương thức làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng. Cơ cấu giải, do đó cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như Sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng…".
Đồng thời, Giải báo chí Quốc gia cần cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong quá trình tổ chức và phát triển.
Hai năm gần đây, phần mềm chấm giải online của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò rất tích cực, hỗ trợ đáng kể cho tác giả tham dự cũng như cho công tác của Hội đồng giám khảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu trong công tác tuyển chọn chưa được số hóa, phần mềm chấm giải vẫn dừng ở mức hỗ trợ thẩm định tác phẩm, chưa hỗ trợ được công tác chấm giải đặc thù của Hội đồng sơ, chung khảo, chưa có cơ chế lưu trữ tư liệu tác phẩm đoạt giải cũng như các văn bản, quy định có liên quan.
“Trong thời gian tới, cùng với chiến lược chuyển đổi số của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến quy trình và chuyển đổi số Giải báo chí Quốc gia, góp phần đẩy mạnh vị thế của Giải, xứng tầm là sân chơi nghiệp vụ uy tín nhất của những người làm báo Việt Nam”, bà Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất thêm.