Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển

Kim Liên (thực hiện)| 09/06/2020 11:08

(TN&MT) - Ngày Đại dương Thế giới (ngày 8/6 hàng năm) do Liên Hợp Quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và Đại dương.

Với chủ đề “Đổi mới vì một Đại dương bền vững”, Ngày Đại dương Thế giới năm nay sẽ là cơ hội để giới thiệu những phương pháp, ý tưởng, sản phẩm mới, các giải pháp khả thi nhằm làm nổi bật những đổi mới trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương như: Công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên, sản phẩm, khoa học công nghệ mới.

Nhân sự kiện này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

PV: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 có chủ đề chính là “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển”, xin ông cho biết, chủ đề này có phải khởi nguồn từ yêu cầu đổi mới, tạo đột phá mà Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đặt ra hay không? Ý nghĩa chính của chủ đề này?

Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi :

Tại Việt Nam, nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển và đại dương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển hình thành văn hóa sinh thái biển… khâu đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển. Đây là một bước tiến lớn trong việc khẳng định lập trường, chủ trương lớn của đất nước, tư duy hướng ra biển, dựa vào biển của Đảng và Nhà nước ta.

Hằng năm, tại Việt Nam, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức từ ngày 1 - 8/6 nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương và việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trên thế nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hưởng hứng Ngày Đại dương Thế giới, để thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và thực hiện quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tại Việt Nam, Bộ TN&MT đã lựa chọn chủ đề cho Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020 là “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn, để đảm bảo các hoạt động hưởng ứng sự kiện Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, tăng cường các hoạt động truyền thông trực tuyến. Tập trung vào truyền thông điệp khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa Đại dương đến năm 2030. Vậy, Tổng cục đã triển khai Quyết định này như thế nào, thưa ông?

Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi:

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đây là một quyết định mang tính chất đột phá, nhiều đổi mới trong bảo vệ môi trường biển.

Để triển khai thực hiện Kế hoạch này, ngày 15/1/2020, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với sự tham gia đông đảo của các Đại sứ quán; tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam; Bộ, ngành, địa phương có biển, doanh nghiệp. Qua đó, nhằm quảng bá sâu rộng nội dung và tinh thần của Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương cũng như khởi động cho những hành động tiếp theo để thực hiện thành công Kế hoạch.

Ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tiến hành xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg (QĐ1746) của Bộ TN&MT; đồng thời, hướng dẫn, phối hợp, trao đổi với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện QĐ1746 của đơn vị.

Tổng cục cũng đang triển khai xây dựng và thực hiện Hợp phần 14a “Điều phối, quản lý chung Dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” thuộc Dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa và vi nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý. Đề án thành lập Trung tâm Quốc tế về rác thải nhựa đại dương; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT thực hiện các nhiệm vụ như: Điều tra, khảo sát xây dựng Đề án Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam và xây dựng chương trình truyền thông về rác thải nhựa đại dương gắn với việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020; thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người trên website của Tổng cục, phát động các phong trào Phòng chống rác thải nhựa tại các đơn vị trong Tổng cục,…

Ngoài ra, Tổng cục đang chủ trì xây dựng dự thảo Văn kiện dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương do WWF tài trợ. Dự thảo được tích cực triển khai xây dựng, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tập trung hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng chủ động tìm kiếm, trao đổi, làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế trong thực hiện Kế hoạch.

PV: Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ông có gửi gắm điều gì đến các tỉnh, thành có biển để tạo được hiệu ứng truyền thông, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo thực sự góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam?

Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi:

Nhằm triển khai chuỗi hành động hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT đã có Công văn số 2556/BTNMT-TCBHĐVN ngày 13/5/2020 gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thực hiện. Trong đó, nhằm tạo được hiệu ứng truyền thông, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp, khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân có những ý tưởng, giải pháp khả thi, đổi mới về tầm nhìn cũng như phương pháp quản lý trong các lĩnh vực liên quan đến đại dương, biển và hải đảo. Đặc biệt, đổi mới phương pháp quản lý tốt vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, các hành vi khai thác tài nguyên biển bất hợp lý làm hủy hoại môi trường biển. Cùng với các Bộ, ngành, các địa phương có biển bằng những hành động thiết thực, hãy chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn môi trường biển luôn xanh, sạch, đẹp và khai thác nguồn lợi tài nguyên biển một cách hợp lý nằm bảo vệ sinh kế của chính chúng ta, bảo tồn và phát triển vì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Để tạo được hiệu ứng tuyên truyền, cần đa dạng hóa về hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền; chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục, cung cấp thông tin có liên quan kịp thời, chính thống, có hiệu quả về biển, hải đảo. Đặc biệt là sự đổi mới trong nhận thức đúng đắn về sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong toàn lực lượng làm công tác tuyên truyền biển, đảo trong diễn biến tình hình trên biển Đông, chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Các địa phương cần thực hiện truyền thông theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; sáng tạo, mạnh dạn đổi mới trong các phương thức truyền thông, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, kết hợp các kênh thông tin, hình thức trực tuyến, mạng xã hội nhằm truyền thông, tuyên truyền cho các nội dung, tư liệu và các hoạt động ý nghĩa, thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương Thế giới năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO