(TN&MT) - Ngày 18/3, hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2016 với chủ đề “Nước và Việc làm”, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước tổ chức Hội thảo “Đổi mới công nghệ gắn với sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà cung cấp thiết bị công nghệ đã sôi nổi thảo luận, trao đổi về nhiều phương pháp, sản phẩm sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả…
Nước không phải là vô hạn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Tại Việt Nam, nguồn nước có hạn, nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước có chiều hướng gia tăng; tăng trưởng kinh tế nhanh, đời sống người dân ngày càng cao khiến cho nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng trong khi nguồn nước có hạn và hiệu quả sử dụng nước còn thấp. Khai thác nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng. Tiếp đó là, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng, các tác động của BĐKH tới tài nguyên nước. Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng tại ĐBSCL là một trong những thách thức lớn chúng ta đang phải đối mặt.
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước phát biểu |
Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Hiện nay, vấn đề sử dụng nước phía thượng lưu của các sông liên quốc gia hiện nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của Việt Nam. Gần 2/3 lượng nước của nước ta được hình thành từ bên ngoài lãnh thổ, nhưng chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng.
Ông Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Tuy có hệ thống sông ngòi chằng chịt, diện tích lưu vực sông lớn nhưng Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4.000m3/năm khi lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3.
Tiết kiệm và tìm kiếm nguồn nước sạch mới
Trong bối cảnh nhiều khu vực của Việt Nam đang hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm giải pháp công nghệ nhằm mục tiêu tiết kiệm và tái sử dụng nước. Ông Ngô Văn Mơ lấy ví dụ, tại các tỉnh Tây Nguyên, để tưới nước cho 01 ha cà phê thì phải tốn khoảng 5 triệu đồng/ năm, gây nhiều áp lực lên giá thành sản phẩm. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể giảm khối lượng nước tưới bằng việc áp dụng công nghệ vi tưới đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, mà hiệu quả vẫn đạt được như phương pháp thông thường.
Tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà sản xuất đã chia sẻ nhiều mô hình quản lý, nhiều công trình nghiên cứu và thực tiễn về sử dụng, tái tạo nguồn nước. Đồng thời, các đại biểu cùng thống nhất cao quan điểm việc nghiên cứu các giải pháp công nghệ cần phải có giá thành phù hợp để có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà phát biểu |
Ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà cho biết: Trong những năm qua, doanh nghiệp đã tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng sản xuất những sản phẩm công nghệ cao trong chuỗi chu trình nước khép kín: khai thác; lưu trữ nước sạch; sử dụng; nước thải. Hiện tại, những sản phẩm của Sơn Hà với giá thành phù hợp đã góp phần giúp người tiêu dùng trên cả nước sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, tại Hội thảo, sau khi nghe đại diện Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng Hà Nội) trình bày nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các hệ thống thu gom, xử lý, sử dụng nước mưa phù hợp, cung cấp cho các khu vực dân cư đô thị và nông thôn, nhiều doanh nghiệp, cơ quan đã trực tiếp đến kết nối và đặt vấn đề hợp tác trong thời gian tới.
Ông Ngô Văn Mơ chia sẻ, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đang phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển. Các công nghệ đang được phổ biến hiện nay gồm: Công nghệ xử lý nước thải; công nghệ oxy hóa nâng cao; công nghệ màng; công nghệ hấp thụ; công nghệ trao đổi ion; công nghệ xử lý điện hóa; công nghệ sinh học; công nghệ xử lý nước uống; công nghệ lọc nước biển; công nghệ thủy lợi thông minh; công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ vi tưới…
Ông Ngô Văn Mơ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại Hội thảo. |
Khuyến khích đổi mới công nghệ
Chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai có hiệu quả đưa chính sách về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của Đảng và Nhà nước có hiệu lực trên thực tế; tăng cường ứng dụng, sử dụng công nghệ thiết bị sử dụng nước tiên tiến hiện đại. Đổi mới công nghệ trong việc tiết kiệm, sử dụng nước. Tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tiếp tục nghiên cứu đưa công nghệ mới tiết kiệm nước chưa được sản xuất trong nước vào ứng dụng tại Việt Nam. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ chính thức (ODA), các nguồn đầu tư từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước…
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành là công cụ kinh tế đã được đưa vào áp dụng nhằm tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt, để cụ thể hóa Luật Tài nguyên nước năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, khuyến khích bằng việc ưu đãi về vốn vay, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, đầu tư công trình khai thác, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ vốn để nghiên cứu và xây dựng công trình bảo vệ nguồn nước…Đặc biệt là ưu đãi việc miễn, giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm thiết bị công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước mà trong nước chưa sản xuất được đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan thẩm quyền ban hành.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, ông Ngô Văn Mơ cho biết hiện tại, Bộ KH&CN đang chủ trì triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 với nhiều hợp phần liên quan đến sử dụng tài nguyên nước hợp lý. Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ TN&MT lập danh mục các sản phẩm được miễn, giảm thuế nhập khẩu cho sản thiết bị công nghệ tiên tiến.
Tổng biên tập Báo TN&MT Hoàng Văn Thành phát biểu tổng kết Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo, đại diện Ban Tổ chức, ông Hoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu; đặc biệt là những kết nối trực tiếp giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp ngay tại Hội thảo. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp tất cả những ý kiến tại Hội thảo để trình các cơ quan chức năng tham khảo, nghiên cứu.
Bài & ảnh: N.Thanh – Đ.Thiện – H.Minh