Nhà báo, chuyên gia nước ngoài đánh giá về BĐKH tại ĐBSCL
Trình bày tham luận đầu tiên tại Hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Hưng, Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL đã đặt vấn đề “thuận thiên”, biến “Nguy” thành “Cơ” đối với tình trạng BĐKH tại ĐBSCL. Theo đó, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, tựu chung nổi bật nhất vẫn là điều khẳng định: các cấp, các ngành và mọi người dân chấp nhận sống hài hòa theo lẽ “thuận thiên”.
Theo Nhà báo Lê Quốc Hưng, ĐBSCL là một trong những vùng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Cùng với nguy cơ hậu quả của việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, vùng đất chín Rồng còn bị đe dọa nghiêm trọng do mất rừng ngập mặn, rừng tràm và việc khai thác quá mức nước ngầm, gây sụt lún mặt đất. Trong khi đó, ngành nông nghiệp lại phát triển chủ yếu về chiều rộng hơn chiều sâu, dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước. Những thách thức từ BĐKH và hội nhập quốc tế buộc nền kinh tế ĐBSCL phải đẩy mạnh tái cơ cấu, khắc phục những tồn tại để từng bước thích ứng và chuyển từ ngôi vị “hàng đầu thế giới về sản lượng ” sang “nâng cao giá trị hàng hóa”.
Nhà báo Lê Quốc Hưng đã nêu ra những bất cập trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL thời gian qua, đó là với tư duy cơ học “ 1+1=2” trong một thời gian dài rằng: sản lượng, năng suất lúa càng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân càng cao. Nhưng thực tế cho thấy, để gia tăng sản lượng bằng cách canh tác lúa 3 vụ đã không đem lại hiệu quả vì vụ 3 kéo giảm năng suất và sản lượng của hai vụ trước đó dù đã tăng lượng phân bón gấp hơn 2 lần.
Ở một khía cạnh khác, trong những năm gần đây phong trào nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm có tiềm năng kinh tế rất cao nhờ tận dụng được nguồn nước mặn, được coi là một mô hình sản xuất có thể thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thuỷ sản phát triển nhanh chóng nhưng lại không dựa trên quy hoạch đã dẫn tới trong đợt hạn mặn 2016, chỉ tính riêng tại Cà Mau có tới 158.000 ha thuỷ sản nuôi bị thiệt hại từ 30 - 100%. Đặc biệt, để đáp ứng nuôi trồng thuỷ sản trước mắt, người dân đã tự ý khai thác nước ngầm bừa bãi, khiến tốc độ sụt lún ngày càng trầm trọng.
Ông Robbert Moree, Điều phối chương trình đồng bằng, Cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan đánh giá, ĐBĐSCL hiện đang đối diện với nhiều thách thức từ BĐKH như nước biển sẽ dâng 2m vào năm 2100 (với kịch bản nhiệt độ tăng 2oC); sụt lún từ 2 đến 4cm hằng năm, đến năm 2050 sẽ bị sụt tầm 0,8m; nước biển dâng 1m phù sa mất tới 93%...Bên cạnh đó, thách thức trong sử dụng nước như tăng dân số, tăng trưởng kinh tế, tăng nhu cầu sử dụng. “Do vậy, trong thời gian tới cần sự đồng thuận để giải quyết những tổn thương và thách thức. Để thực hiện được điều này cần xây dựng một cơ chế chuyên biệt và đảm bảo sự phối hợp điều phối là nguyên tắc bắt buộc”- ông Robbert Moree nhấn mạnh.
Bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng,ĐBSCL đóng một vai trò quan trọng đối với những thành công về kinh tế - xã hội của Việt Nam. ĐBSCL là nơi sinh sống của 20 triệu người, cung cấp một nửa sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 1/3 GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, ĐBSCL là một khu vực trũng thấp, rất dễ gặp rủi ro và bị tổn thương trước BĐKH. Nước biển dâng là một mối đe dọa thực sự, cùng với sự xuất hiện của tình trạng xói lở bờ sông và bờ biển, những dự báo gần đây về mùa mưa bão sắp tới cho thấy các dải đê biển hiện nay có thể sẽ bị xói lở, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các sự cố sạt lở bờ sông nghiêm trọng đang xảy ra thường xuyên hơn và với mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn.
Cũng theo bà Madhu Raghunath, với tư cách là Đối tác phát triển, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP vào năm 2017 và vào đầu năm 2019, đã phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới ở ĐBSCL gắn kết chặt chẽ với những chuyển dịch và giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 120/NQ-CP. Các Đối tác phát triển hiện đang tích cực tham gia hỗ trợ chính phủ tại cấp trung ương và địa phương trong một loạt các vấn đề như: xói lở bờ biển và bờ sông bằng những giải pháp tối ưu, như dự báo và cảnh báo chính xác hơn về các sự kiện thời tiết cực đoan, giám sát xói lở, ghi chép thông tin đầy đủ và chính xác hơn, đưa ra các giải pháp mềm, dựa vào thiên nhiên và các giải pháp công trình để bảo vệ chống xói lở bờ biển và bờ sông…
Đổi mới cách thức tuyên truyền
Tại Hội thảo, bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120 và triển khai Chương trình hành động tổng thể. Việc cung cấp những thông điệp nhất quán về tầm nhìn của Nghị quyết và hành động trong Chương trình hành động từ trung ương đến địa phương, cho đến cấp cơ sở bao gồm cả người dân địa phương, để tất cả đều đồng lòng, có ý nghĩa rất quan trọng.
“Tất cả chúng ta đều cần những giải pháp và mô hình mới cho người dân địa phương để ứng phó với các tác động của BĐKH và nước biển dâng. Vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tìm hiểu và phổ biến những giải pháp hoạt động hiệu quả rất có ý nghĩa trong việc giúp mọi người thích nghi với thực tế mới và tìm kiếm cơ hội mới’- bà Madhu Raghunath cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ TP. HCM nêu thực trạng: thời gian qua, trong bối cảnh có quá nhiều sự kiện và vấn đề thời sự hàng ngày để đưa tin nhanh ngay lập tức, nhà báo chưa dành sự quan tâm đến vấn đề BĐKH. Các cơ quan báo chí, nhà báo chưa thật sự hiểu sâu về BĐKH trước mắt và lâu dài trong phạm vi địa phương và quốc gia. Những người hiểu biết sâu như các nhà khoa học, chuyên gia công bố các kết quả nghiên cứu, các tác động của BĐKH mang tính học thuật, khô khan, nhiều số liệu nên các nhà báo khó có thể “tiêu hóa” thành sản phẩm báo chí đơn giản, dễ hiểu với công chúng…
Theo ông Lê Xuân Trung, để công tác truyền thông về BĐKH trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần hình thành Dự án truyền thông về BĐKH để thực hiện chiến dịch truyền thông chuyên đề vùng ĐBSCL trong 2 năm 2019-2020 để các nhà báo trở thành “người trong cuộc” chứ không phải “người quan sát” từ bên ngoài hay bên lề”. Vì vậy, các nhà báo, chuyên gia, nhà quản lý Trung ương và 13 tỉnh thành ĐBSCL cùng kết nối với nhau, cùng xây dựng kế hoạch truyền thông và trực tiếp thực hiện kế hoạch này.
“Dự án truyền thông về BĐKH không dừng lại ở mục tiêu làm truyền thông mà hướng tới mục tiêu huy động xã hội chung tay phát triển ĐBSCL, biến nơi đây thành một Mekong xanh trù phú, bền vững” – Nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, GS. TS Mai Trọng Nhuận, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về BĐKH cho biết: Thực tế cho thấy, thời gian qua, phóng viên chủ yếu tiếp cận tài liệu, số liệu từ các báo cáo, hội nghị, hội thảo, ít được đi thực tế; thiếu thông tin về kết quả cụ thể của ứng phó BĐKH, giải pháp và các bài học hay từ thực tiễn sống động có sức thuyết phục. Vì thế, hiệu quả truyền thông về BĐKH chưa cao, chưa đi vào lòng người vì mơ hồ, vẫn còn coi ứng phó BĐKH là việc chung chung, không của riêng ai.
Cho nên, GS.TS Mai Trọng Nhuận đề nghị, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả truyền thông BĐKH ở ĐBSCL, góp phần thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ cần phân công rõ ràng trách nhiệm các bên liên quan trong truyền thông BĐKH. Các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị xác định rõ, cung cấp thông tin, dẫn chứng cụ thể, lý giải dễ hiểu; cần công bố, nhân rộng các kết quả, thành tựu , bài học tốt của phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH; các giải pháp, mô hình cụ thể thích ứng ở từng vùng, thuận thiên trong phát triển…Từ đó, các cơ quan truyền thông chuyển tải thông tin tới xã hội, người dân để nâng cao nhận thức và cùng nhau hành động, ứng phó với BĐKH.
Nhà báo Lê Quốc Hưng, Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL cũng khẳng định: Trên thực tế, sức tàn phá của BĐKH là điều ai cũng hiểu, nhưng để biết đầy đủ và thực hiện theo phương thức sống thuận thiên thì rất cần sự đóng góp của các cơ quan báo chí trong thông tin, truyền thông. Vì vậy, báo chí phải là cầu nối giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp…với người dân và ngược lại. Nhưng việc thích ứng với BĐKH đòi hỏi mục đích tuyên truyền cần sâu, sát và đa diện: không đơn thuần là những gương sáng làm giầu, cách làm hay, tay nghề giỏi… mà còn là tiếng nói phản biện của các chuyên gia, các nhà khoa học trong từng dự án, ở từng địa phương. Có nhiều cách, nhiều phương thức truyền tải thông tin, nhưng để thông tin lưu giữ, định vị đến với các nhà hoạch định chính sách, để người dân không tự phát, tự mày mò làm…mà làm theo, mới phát huy hết hiệu ứng của truyền thông.
Ở góc độ cách nhìn của cơ quan truyền thông, Nhà báo Lê Quốc Hưng cho rằng để ứng phó với BĐKH ở cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng không thể nóng vội đưa ra các chính sách mang tính trước mắt; không thể vì những kết quả tốt trong ngắn hạn mà bỏ qua sự bất ổn trong dài hạn. Theo đó, ĐBSCL cần được rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên. Thích ứng với BĐKH chính là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, biến thách thức thành cơ hội, đảm bảo phát triển bền vững và giữ được an ninh lương thực.
Cũng tại Hội thảo, nhiều nhà báo đại diện cho các cơ quan truyền thông như Báo Nhân dân, Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Thanh Niên, Báo Tiền phong, Báo Cần Thơ…đã nêu ra nhiều tồn tại và đặt ra nhiều vấn đề trong việc nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông BĐKH của ĐBSCL trong thời gian tới.
Nhà báo Trần Minh Trường, Trưởng Văn phòng đại diện Báo SGGP tại ĐBSCL đã nêu thực trạng trong công tác tuyên truyền hiện nay là chỉ dừng lại ở mức độ miêu tả, tường thuật thông tin. Hơn nữa, báo chí vẫn còn nói chung chung về BĐKH mà không cụ thể đó là những vấn đề gì, tác động như thế nào. Ai cũng nói BĐKH nhưng sự hiểu về BĐKH không cụ thể, chặt chẽ. Đó là trách nhiệm của cơ quan truyền thông. Lấy câu chuyện về thói quen của người dân là trong 6 tháng mùa khô họ sẽ lấy nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tích nước để sử dụng trong 6 tháng mùa khô. Tuy nhiên, những năm trở lại đây quy luật đó không còn nữa. Vậy nhà báo chúng ta phải nói cho họ biết đấy chính là do BĐKH.
Nhà báo Đình Tuyển, Báo Thanh Niên, cơ quan thường trú tại ĐBSCL kiến nghị để việc tuyên truyền chủ trương chính sách về ứng phó với BĐKH đến gần với người dân, ngoài việc được cung cấp những thông tin từ những hội nghị, hội thảo, các nhà báo cần được tổ chức tiếp cận những mô hình thực tế, trực tiếp đến những điểm nóng. Đặc biệt là các cơ quản lý cần tổ chức cho nhà báo tiếp cận những mô hình hay trong ứng phó với BĐKH, như các hình trồng lúa, mô hình nuôi trồng thủy sản, mô hình nghiên cứu khoa học…Từ đó, những mô hình tối ưu trong thích ứng với BĐKH mới được lan tỏa rộng rãi.