Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Việc hoàn thành 23 dự án thành phần để nối thông suốt toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.063km trong năm 2025 là mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trước Đảng và nhân dân. Quan điểm chỉ đạo nhất quán phải thực hiện bằng được mục tiêu này, trong đó cuối năm 2022 hoàn thành 361,5km, đến tháng 3/2024 hoàn thành 652km và năm 2025 hoàn thành thêm 729km. Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, triển khai đồng thời một số công việc trong giai đoạn chuẩn bị dự án….
Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn, thời gian có hạn, nếu phương thức, cách làm cũ sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu này. Tinh thần là phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, bám sát quy định pháp luật, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan; tuyệt đối không được để xảy ra sai phạm, tiêu cực,…
Xử lý dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đất đắp nền đường
Về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, theo số liệu báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong 04 dự án hoàn thành năm 2022, chỉ có dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 đáp ứng tiến độ yêu cầu; còn lại 03 dự án chậm tiến độ từ 1,53% đến 3,8%; trong 06 dự án hoàn thành năm 2023 và năm 2024, có 04 dự án đáp ứng kế hoạch và 02 dự án chậm tiến độ so với kế hoạch (dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chậm 1,9% và dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo chậm 1,8%). Một trong các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ do: chưa hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng (tỉnh Nghệ An còn 155m và tỉnh Khánh Hòa còn 500m), thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường (tỉnh Khánh Hòa còn thiếu 0,8 triệu m3, tỉnh Ninh Thuận còn thiếu khoảng 2,0 triệu m3 và tỉnh Bình Thuận thiếu khoảng 2,2 triệu m3) và ảnh hưởng của biến động giá.
Để sớm khắc phục những nội dung trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các địa phương liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đất đắp nền đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 366/CĐ-TTg ngày 21/4/2022; hoàn thành các thủ tục liên quan bàn giao mặt bằng, mỏ vật liệu đất đắp trong tháng 6 năm 2022 theo đúng cam kết tại cuộc họp, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận cần tạo điều kiện để các nhà thầu sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2022.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung, quyết liệt hơn nữa tại công trường; yêu cầu các Ban quản lý dự án, nhà thầu có biện pháp, tăng cường nhân lực, thiết bị, tăng ca, kíp, khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết… để bù đắp khối lượng đã bị chậm để bảo đảm tiến độ theo cam kết; kịp thời chấn chỉnh, điều chuyển khối lượng công việc trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu; Các Ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu phải tổ chức triển khai thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng; kiên quyết xử lý nhân sự của Ban Quản lý dự án, thay thế nhà thầu không thực hiện đúng cam kết.
Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022 về việc biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình giao thông.
Không được tùy tiện ban hành đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở
Về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 18/NQ-CP) đã xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ thực hiện của từng bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã nỗ lực, quyết tâm lớn thực hiện tốt công việc theo các mốc tiến độ yêu cầu được giao.
Tuy nhiên, một số các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện một số thủ tục thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định mỏ vật liệu, bãi đổ thải… Đây vừa là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan và cũng là trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP. Việc chậm bàn giao mặt bằng và thiếu vật liệu đất đắp nền đường là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thành phần của giai đoạn 2017-2020, đây là bài học đắt giá phải rút kinh nghiệm.
Để đáp ứng tiến độ công việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải: cần chủ động hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, triển khai Dự án theo nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phối hợp chặt chẽ với địa phương và theo thẩm quyền, kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai kịp thời, hiệu quả các công việc đáp ứng tiến độ.
Bên cạnh đó, yêu cầu hoàn thành việc phê duyệt các dự án thành phần trước ngày 30/6/2022 theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP; khẩn trương bàn giao mốc mặt bằng đối với phần còn lại cho địa phương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP; khẩn trương, chủ động thực hiện chỉ định thầu các gói thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư đã được quy định rõ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 18/NQ-CP; chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ nếu chậm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP, ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án;
Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan để thỏa thuận các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải (bảo đảm đúng, đủ trữ lượng và chất lượng theo yêu cầu của từng dự án), hoàn thành trước ngày 25/6/2022.
Chỉ đạo Sở Xây dựng, Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án và Đơn vị tư vấn để thỏa thuận, công bố đầy đủ giá vật liệu xây dựng phục vụ riêng cho xây dựng cao tốc (đất, đá, cát, sỏi…) theo đúng Nghị quyết số 18/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 25/6/2022.
UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp thực hiện nâng công suất các mỏ cát đang khai thác theo đúng Nghị quyết số 18/NQ-CP và cấp phép mỏ mới để ưu tiên cung cấp đủ nguồn cát cho Dự án.
Về chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đây là dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước, các địa phương không được tùy tiện ban hành đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất thiếu cơ sở làm tăng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng bất hợp lý. Yêu cầu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, thống nhất kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng bảo đảm tuân thủ khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy định của pháp luật.