Trung tướng Lê Khả Phiêu nói chuyện biển, đảo với Ban chỉ huy Lữ đoàn 171 mùa Thu năm 1995, nhân dịp ông đến thăm, ảnh Lê Khanh |
Cuộc đời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được biết đến như đỉnh cao của sự thanh liêm chính trực. Ở ông không chỉ toát lên nét bình dị gần gũi với bộ đội và nhân dân; trân quí tình cảm đồng chí và bầu bạn; nghĩa tình với bà con quê hương đất nước; mà còn biết đến vị tướng thanh liêm nhất của thời đại. Trong suốt thời gian giữ chức Trung tướng, rồi Thượng tướng giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đến lúc vào Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, ông vẫn giữ chí khiết liêm chính, đạo đức cách mạng trong sáng.
Ở ông lúc nào cũng toát lên thanh liêm về nhân cách; trong sáng về đạo đức, minh bạch về việc công, tư; bản lĩnh trí tuệ về đấu tranh vì nghĩa lớn của dân tộc. Cuộc đời ông là một trang sử cao đẹp về đức hi sinh quên mình, tận hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Sự gần gũi thân mật vô bờ
Mùa thu năm 1995, tôi may mắn được gặp bác Lê Khả Phiêu đến thăm cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân. Lúc đó ông Phiêu đeo quân hàm Trung tướng, giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau nghi thức chào báo cáo theo điều lệnh đội ngũ, Ban chỉ huy Lữ đoàn 171 tập trung cán bộ chủ chốt thành một hàng ngang. Trung tướng Lê Khả Phiêu mặc áo bu dong chiết gấu màu cỏ úa, đi dày đen quân nhu, đưa tay chào cán bộ chiến sĩ, rồi ông thân mật bắt tay từng người. Dừng trước một sĩ quan trẻ, ông hỏi “cậu bao nhiêu tuổi?”. “Báo cáo thủ trưởng tôi 24 ạ”- người sĩ quan trẻ trả lời. Nắm chặt tay người sĩ quan ấy, ông bảo: “Đó là tuổi đẹp nhất của đời người. Hãy làm việc bằng trái tim của một người lính cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân”. Chúng tôi xúc động nhìn ông. Khoảng cách tướng- quân bị “xóa nhòa” từ giây phút ấy.
Trong không gian ấm áp của Sở chỉ huy Lữ đoàn, Thượng tá Phạm Xuân Hoa Lữ đoàn trưởng, thay mặt cán bộ chiến sĩ báo cáo với ông về nhiệm vụ và tình hình hoạt động của bộ đội trên các nhà giàn DK1. Ngước nhìn tấm ảnh nhà giàn DK1/10 treo trang trọng trên tường, Trung tướng Lê Khả Phiêu bảo: “Biển đảo sẽ có những biến động trong tương lai. Mỗi một nhà giàn là một cột mốc sống trên biển, các cậu phải đoàn kết, bảo vệ bằng được. Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn tin tưởng các cậu”. Tôi nhìn thấy ánh mắt ông rưng rưng. Ông quay lại nhìn chúng tôi thân thiện bảo: “Mỗi hòn đảo là máu xương Tổ quốc. Vùng đặc quyền kinh tế của nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng. Bảo vệ vững chắc vùng đặc quyền kinh tế là nhiệm vụ của chúng ta, của các đồng chí”.
Đến giờ ăn cơm, ban chỉ huy Lữ đoàn mời ông dùng cơm trong nhà khách của sở chỉ huy theo chế độ cơm “đại táo” giành cho tướng lĩnh quân đội. Trước khi ngồi vào bàn ăn, ông nói với Lữ đoàn phó chính trị - Trung tá Hoàng Kim Nông: “Cậu dẫn mình đi xem nhà ăn của bộ đội thế nào được chứ?”. Bước qua khoảng trống sân cỏ rộng, ông nhìn những ngôi nhà cũ kỹ, những vạt cát phía đầu nhà ở của bộ đội. Dừng trước bàn chia thức ăn, ông bảo chiến sĩ cấp dưỡng “cậu cho mình mượn đôi đũa”. Cậu chiến sĩ chạy ào lấy đưa cho ông. Ông gắp miếng rau cải luộc đưa lên miệng nhai, bảo rồi bảo: “Rau mềm, ngon đấy, nhưng phải bảo đảm vệ sinh, chất lượng hơn”. Bước tới nồi cơm, ông lấy một miếng nhỏ ăn rồi nói: “Trong thời bình, cơm cho chiến sĩ phải thật chín. Anh em phải ăn no, ăn ngon mới huấn luyện tốt, cống hiến tốt cho đơn vị được”.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí Thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các tướng lĩnh quân đội trong lễ ông được tặng huy hiệu 70 năm tuổi đảng. Ảnh chụp từ tư liệu. |
“Đó là hình ảnh sống của đời mình không được phép quên”
Tôi nhớ như in buổi dùng cơm trưa đó. Sau kiểm tra nhà ăn của bộ đội, ông trở lại cùng ban chỉ huy Lữ đoàn 171 dùng cơm trưa. Nhìn đĩa thịt đầy ắp, đĩa rau xanh ngon, ông hạ đũa, mắt rưng rưng bảo: “Tớ kể các cậu nghe thế này”. Giọng ông chậm rãi. Câu chuyện nuốt vào tâm can cán bộ chiến sĩ chúng tôi.
Ông kể: Những năm khói lửa chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Đế Quốc Mỹ, bộ đội ta rất khổ. Hành quân trên chiến trường vừa đói vừa rét, vừa đánh giặc. Trên khắp các chiến trường ngày ấy, Bình Trị Thiên là chiến trường ác liệt nhất sau chiến dịch Mậu Thân 1968. Đối với cán bộ cấp Cục như ông cũng chỉ được cấp 1 lạng gạo/ ngày, còn bộ đội chủ yếu phải ăn cháo rau qua bữa.
Thương ông, người chiến sĩ cần vụ ngày nào cũng vào nương rẫy của bà con Pa Cô Vân Kiều mót khoai về luộc cho ông lót dạ thêm vào buổi sáng. Có điều lạ là mỗi lần người cần vụ đưa khoai lên thì ông đã thấy khoai được bóc vỏ sẵn. Ban đầu ông chỉ nghĩ là cậu lính trẻ muốn quan tâm, chăm sóc thủ trưởng chu đáo hơn. Sau ông biết, người chiến sĩ cần vụ ấy đã nhường khoai cho thủ trưởng, còn mình chỉ ăn vỏ khoai. “Tự trong lòng mình lúc đó trào dâng một cảm xúc. Vừa day dứt, vừa thương mến, vừa ấm áp nhưng lại vừa xót xa. Cậu cần vụ ấy đã hy sinh bởi bom máy bay B52 trong lần cùng đi công tác ngay sau đó.
Mấy chục năm qua, hình ảnh nắm vỏ khoai năm ấy luôn là nỗi trăn trở day dứt trong lòng mình. Đấy là hình ảnh sống của đời mình nên không bao giờ quên, và không được phép quên”. Vị tướng một thời binh đao hoa lửa nhìn ra khoảng trống sân Lữ đoàn bộ. Ký ức cảm động dâng trào trong ông về những bước đường hành quân chiến đấu của cuộc đời mình.
Ông Nguyễn Viết Chức, quê gốc huyện Quảng Xương Thanh Hóa, nguyên thuyền thưởng của tàu săn ngầm 07 được may mắn làm việc với Thượng tướng Lê Khả Phiêu nhiều lần trong những chuyến tàu công tác.
Ông Chức kể: Khi còn là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, Thượng tướng Lê Khả Phiêu có chuyến về thăm làm việc tại Quân khu 4. Ông đến thăm Lữ đoàn công binh 414 đóng ở huyện Nam Đàn Nghệ An. Biết ông không thích ngồi ăn cơm mâm riêng nên ban chỉ huy Lữ đoàn 414 bố trí 6 mâm cơm cho cả đoàn công tác và đơn vị. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, ông vẫy một chiến sĩ phục vụ lại và bảo: “Cháu vào cho bác mượn vài chiếc đĩa”. Mọi người ngạc nhiên không hiểu Thượng tướng “mượn đĩa” để làm gì. Khi cậu chiến sĩ trẻ mang đĩa tới, ông san thức ăn ra từ các đĩa ra ân cần nói: “Thức ăn nhiều, để thêm cho các cháu phục vụ”. Kết thúc bữa trưa, khi mọi người đã ngồi quây quần uống nước, giọng của vị tướng nhiều năm xông pha trận mạc lắng xuống: “Bộ đội là máu thịt của Tổ quốc. Trong chiến trận chỉ huy lãnh đạo thương bộ đội, trong thời bình càng phải thương yêu hơn. Vì gia đình họ gửi gắm chúng ta, gửi gắm vào tớ, vào cậu”- đưa tay lên ngực, ông nói từ tấm lòng.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân năm 2000, ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu |
Đôi mắt tinh tường đã khép lại, đôi chân xông xáo trên chiến trường năm xưa đã dừng bước, trái tim nhân ái đã ngừng đập; nhưng ông sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Ông đã tạm biệt dương trần, nhưng tác phong giản dị gần gũi, đạo đức trong sáng thanh liêm, bản lĩnh kiên cường một đời tận hiến vì dân vì nước, vẫn mãi vang vọng trong lịch sử hôm nay, mai sau và đời đời hậu thế. Lê Khả Phiêu - tên ông đã hòa vào lòng dân tộc, vào tâm khảm của các thế hệ người Việt trên mọi miền Tổ quốc.