Độc đáo lễ hội Cầu Ngư lớn nhất Cố đô Huế

08/02/2017 00:00

(TN&MT) - Sáng ngày 8/2 (12 tháng Giêng), Lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang diễn ra sôi nổi với nghi lễ xuất hành ra khơi khởi đầu cho một năm đánh bắt cá. Đây được xem là Lễ hội Cầu Ngư lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, hàng nghìn người dân và du khách tấp nập về tham dự.

Chiếc thuyền tượng trưng xuất hành ra khơi đầu năm
Chiếc thuyền tượng trưng xuất hành ra khơi đầu năm

Chương trình của Lễ hội Cầu Ngư năm nay diễn ra trong hai ngày 7 - 8/2 (tức 11 và 12 tháng Giêng - Âm lịch). Trước đó, từ chiều ngày 7/2, đã bắt đầu lễ Cung Nghinh Ngài thần Hoàng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa lân, biểu diễn ca Huế.

Rạng sáng ngày 8/2 (0 giờ 30 phút), tổ chức lễ Cầu an, tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ. Trước lúc vào lễ chánh tế, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, bể lặng.

Hoạt cảnh nghề biển trong lễ hội
Hoạt cảnh nghề biển trong lễ hội

Lễ Chánh Tế bắt đầu vào lúc 3 giờ sáng cùng ngày. Một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, con em làng chài sức khỏe, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc.

Lễ Cầu Ngư không chỉ là cầu ở đình làng mà hầu như các nhà trong làng đều đặt bàn hương bày đồ lễ cúng để cầu một năm bình an, tôm cá đầy ghe, mùa màng tươi tốt, mua may bán đắt, mưu thuận gió hòa.

Hoạt cảnh đánh bắt trong lễ hội
Hoạt cảnh đánh bắt trong lễ hội

Sau phần nghi lễ Cầu Ngư, phần hội là phần được đông đảo người dân chờ đón với nhiều màn biểu diễn diễn tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, diễn tả những cảnh hoạt động nghề biển trên cạn, dưới nước, cùng hội đua trên phá Tam Giang. 

Theo ông Nguyễn Văn Ái, Trưởng làng Thai Dương, năm nay, lễ hội tổ chức lớn vì theo truyền thống của làng là “tam niên đáo lệ”, tức sau ba năm mở hội lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Lễ hội đua thuyền truyền thống
Lễ hội đua thuyền truyền thống

Ông Hoàng Văn Bình (Việt kiều Úc) cho biết: “Là con dân của làng xa quê, tôi thường chọn những năm có lễ cầu ngư là về quê ăn Tết và cầu an. Đây là nét văn hóa đáng tự hào mà hiếm nơi có được, tôi mong quê hương mình ngày càng phát triển giàu đẹp, mong tất cả những người xa quê hãy hướng về xây dựng quê hương và về với Lễ hội Cầu ngư của làng mình”.

Rất đông người dân nô nức về dự hội
Rất đông người dân nô nức về dự hội

Có từ hàng trăm năm trước, Lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là Lễ hội Cầu Ngư quy mô, độc đáo, hấp dẫn nhất và cộng đồng nhất của tỉnh Thừa Thiên -  Huế.

Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội lớn của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng. Đây là nguồn cổ vũ cho ngư dân vùng biển Thuận An có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước, biển cả, ngày đêm đối mặt với đầu sóng ngọn gió để ngày về tôm cá đầy khoang.

                                                                                          Bài và ảnh:Đức Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo lễ hội Cầu Ngư lớn nhất Cố đô Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO