Hổ Quyền
Hổ Quyền cách trung tâm TP. Huế gần 5 km về phía Tây, nay thuộc phường Thủy Biều (TP. Huế), thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Năm 1998, công trình này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Nhiều tài liệu cho rằng, Hổ Quyền dù không thể sánh bằng đấu trường La Mã nổi tiếng “Colosseum” của Italia, nhưng đây được xem là công trình có kiến trúc độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn cả trên thế giới, thuộc dạng cực hiếm.
Hổ Quyền là đấu trường được xây dựng năm Canh Dần (1830), dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem, đồng thời huấn luyện cho voi có thêm kỹ năng chiến đấu.
Hổ Quyền có cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn, có hình vành khăn nằm lộ thiên với hai vòng tường thành trong và ngoài. Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m, nghiêng một góc khoảng 10- 15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài 145 m, đường kính lòng chảo Hổ Quyền là 44 m với thiết kế vững chắc bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt để đảm bảo an toàn cho mọi người khi xem các trận đấu.
Ngoài hệ thống tường thành, phía Bắc đấu trường có một cánh cửa lớn, với thiết kế 2 lá, cao 8 thước, rộng 7 tấc, phía trên cửa có ghi “Hổ Quyền” là nơi voi được đưa vào trường đấu. Ở hai phía trái, phải của cửa chính, có hai lối đi với 24 bậc thang dẫn lên khán đài.
Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng hổ được xây dựng ngay trong lòng đấu trường với hệ thống cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây nối từ trên xuống. Sân đấu là thảm cỏ hình tròn. Những trận tử chiến giữa voi và hổ thường được triều đình nhà Nguyễn tổ chức mỗi năm một lần. Trận đấu cuối cùng diễn ra tại Hổ Quyền cách đây 118 năm, dưới thời vua Thành Thái.
Năm 2021, UBND TP. Huế đã triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền và di tích Voi Ré (cách Hổ Quyền khoảng 400 m thuộc phường Đúc, TP. Huế). Dự án được triển khai trên diện tích gần 5 ha, có tổng mức đầu tư hơn 94 tỷ đồng. Hiện TP. Huế đã phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đang hoàn thành các thủ tục để tiến hành triển khai thực hiện dự án. Sau khi hoàn thiện hệ thống hạ tầng sẽ tổ chức di dời các hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất để bố trí tái định cư...
Ngã ba Tam Dần
Vùng Tam Dần thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là địa danh gắn với nỗi đau thương về vụ sạt lở đất thủy điện Rào Trăng 3 kinh hoàng xảy ra năm 2020. Với người dân địa phương, đây là một địa danh đáng sợ vì gắn với lãnh địa một thời của loài hổ.
Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cái tên động Tam Dần chẳng biết có từ bao giờ, nhưng theo các vị cao niên các xã Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền), từ những năm 1980 trở về trước, người đi rừng vẫn thường xuyên thấy hổ xuất hiện tại đây.
Cũng tại khu vực này, bản thân ông Tuấn và nhiều nhà nghiên cứu động vật hoang dã nhiều lần đi khảo sát phục vụ công tác bảo tồn đã bắt gặp dấu vết của “chúa sơn lâm”.
Cụ thể, vào năm 1997, khi đi khảo sát ở vùng núi Phong Điền, các chuyên gia về động vật hoang dã và cán bộ, nhân viên kiểm lâm địa phương đã ghi nhận hai dấu chân của hổ trưởng thành và hổ con. Theo đó, khu vực khảo sát có ít nhất 3 - 4 cá thể hổ, gồm hổ trưởng thành và hổ con. Riêng ở vùng động Tam Dần, theo truyền thuyết là động “Ba Con Cọp”, khi khảo sát tại đây cũng ghi nhận có dấu vết của hổ.
Tháng 5/1998, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế từng giải cứu thành công một cá thể hổ con bị nhóm buôn bán động vật hoang dã trên đường vận chuyển ra Bắc tiêu thụ bằng xe taxi. Cá thể hổ con này vốn bị lâm tặc đánh bẫy ở vùng Chín Chàng gần động Tam Dần. Sau đó, hổ được giải cứu và nhân giống thành công.
Hữu Bạch Hổ - Cồn Dã Viên
Có lẽ người dân Huế ai ai cũng biết đến cái tên Cồn Dã Viên. Mặc dù chỉ là một cồn cát nhỏ, nhưng với sứ mệnh bảo vệ cho vương quyền mang tên “Hữu Bạch Hổ” (cùng với “Tả Thanh Long” - cồn Hến) trong chức năng phong thủy của Kinh thành Huế xưa, cồn Dã Viên từ rất lâu đã trở nên nổi tiếng.
Cồn Dã Viên được hình thành từ sự bồi lắng phù sa của sông Hương. Cồn có chiều dài 890 mét, rộng 185 mét, với diện tích khoảng 107.970m2. Không ai biết cồn Dã Viên xuất hiện cụ thể trên sông Hương từ thời gian nào, song theo sử sách, cồn đã có từ thời các chúa Nguyễn.
Đáng chú ý, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đây là nơi từng dùng để tổ chức trận thư hùng sinh tử giữa hàng chục con voi và cọp.
Vào năm 1908, một chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương được xây dựng và đi vào hoạt động, để nối tuyến tàu hỏa Bắc-Nam xuyên Việt. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An (Huế), cây cầu được đặt tên là cầu Dã Viên, vì phần giữa của đoạn đường sắt này đã được xây dựng ngay trên mặt đất của cồn Dã Viên.
Tuy nhiên, có lẽ do quan niệm cồn Dã Viên trong yếu tố phong thủy là “bạch hổ” của Kinh thành Huế, nên người dân địa phương vẫn gọi công trình ấy là cầu Bạch Hổ. Cho đến ngày nay, cây cầu đường sắt này vẫn được gọi là cầu Bạch Hổ. Cầu sắt Bạch Hổ chạy song song với một cây cầu đường bộ bằng bê tông cốt thép có tên là Dã Viên, được xây dựng từ năm 2009.
Trong quá khứ, đã có một truyền thống đặt tên nhất quán cho những công trình được xây dựng tại khu vực này như Vườn ngự Dã Viên, cồn Dã Viên, Nhà máy nước Dã Viên và cầu Dã Viên.
Hiện nay, UBND TP. Huế đang tiến hành chỉnh trang lại cồn Dã Viên. Việc chỉnh trang nằm trong đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương.
Theo đó, chính quyền sẽ cho xây dựng đường đi bộ, bãi cỏ, rừng cây nhiệt đới, quảng trường và sắp tới dự kiến sẽ xây dựng cầu đi bộ kết nối đường Bùi Thị Xuân xuống cồn Dã Viên. Về lâu dài, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ nghiên cứu để xây dựng một vườn Ngự Uyển dưới thời nhà Nguyễn trên cồn Dã Viên...