Doanh nghiệp xã hội cần xây dựng chiến lược hoạt động rõ ràng

18/12/2014 00:00

(TN&MT) – Đó là một trong những chia sẻ đáng chú ý tại buổi Công bố - giao lưu doanh nghiệp xã hội 2014 diễn ra sáng 18/12 tại Hà Nội.

(TN&MT) – Đó là một trong những chia sẻ đáng chú ý tại buổi Công bố - giao lưu doanh nghiệp xã hội 2014 diễn ra sáng 18/12 tại Hà Nội.
   
  Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức nhằm giới thiệu các sáng kiến, mô hình Doanh nghiệp xã hội (DNXH) được hỗ trợ thông qua chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Xã hội năm 2014.
   
  Đây là năm thứ 6 liên tiếp CSIP thực hiện chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội (SESP) nhằm tìm kiếm, hỗ trợ và đầu tư trực tiếp cho các DNXH Việt Nam. SESP 2014 thu hút gần 60 mô hình DNXH đăng kí tham gia, là những sáng kiến trong các lĩnh vực đa dạng: ứng dụng CNTT, nông nghiệp & thực phẩm sạch, hỗ trợ phụ nữ, giao thông, bảo tồn văn hóa, sức khỏe tâm thần, giáo dục, công nghệ sinh học, dịch vụ, …
   
  Phát biểu tại buổi Công bố, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP cho biết, năm 2008 khảo sát của CSIP có thấy ở Việt Nam hầu như chưa ai hiểu rõ khái niệm về DNXH bởi tính đa dạng và phức tạp của lĩnh vực này. Theo bà Oanh, DNXH là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. "Nếu doanh nghiệp thông thường lấy lợi nhuận làm thước đo của sự phát triển thì DNXH lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được mục tiêu xã hội/môi trường và mục tiêu kinh tế" - bà Phạm Kiều Oanh phân tích. 
   
Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc CSIP phát biểu tại buổi Công bố
   
  Theo báo cáo, hiện có một số doanh nhân xã hội thành lập và điều hành các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội và phát triển cộng đồng phi lợi nhuận. Những người khác lại có thể thành lập và điều hành các DNXH có lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận. Có người lại kết hợp cả hai mô hình trên thành mô hình DNXH hỗn hợp. Điều này tùy thuộc vào mục tiêu họ muốn đạt được và việc làm thế nào để đạt được mục tiêu đó một cách hiệu quả nhất.
   
  Bên cạnh việc giới thiệu 7 mô hình DNXH sáng tạo năm 2014, các khách mời còn tham gia vào phần tọa đàm xoay quanh những chủ đề như: “Vai trò và triển vọng phát triển của DNXH Việt Nam” với phần chia sẻ của chị Phạm Kiều Oanh – Giám đốc CSIP; “Từ ý tưởng đến DNXH” với phần chia sẻ của TS Phan Tất Thứ - Chủ tịch KNV Group, đồng sáng lập Elite PR School; cùng những giao lưu kết nối khác tới từ đại diện nhiều DNXH tiêu biểu và những đơn vị đối tác, đồng hành cùng DNXH Việt Nam.
   
Toàn cảnh buổi Công bố - Giao lưu 
   
  Năm 2014, cùng với chương trình Hỗ trợ DNXH (SESP), CSIP đồng thời triển khai hai chương trình:Chương trình Hỗ trợ Đổi mới các tổ chức xã hội (ICSO) – với sự tài trợ của Irish Aid, hướng tới hỗ trợ các tổ chức xã hội có mong muốn phát triển theo định hướng DNXH và hỗ trợ tổ chức Chương trình Đầu tư tác động của Oxfam (IIP) – nhằm hỗ trợ các DNXH, doanh nghiệp vừa và nhỏ tối đa hóa các tác động xã hội thông qua hỗ trợ đầu tư vốn và đào tạo.
   
  Tháng 11/2014, quy định về DNXH đã chính thức được thông qua trong Luật Doanh Nghiệp sửa đổi với những tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của DNXH. Việc chính danh trong luật được kỳ vọng sẽ là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển của phong trào DNXH tại Việt Nam.
   
Thành lập từ năm 2008, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) là tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận, tiên phong trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DNXH Việt Nam. CSIP tìm kiếm và đầu tư trực tiếp cho các DNXH ở những giai đoạn phát triển quan trọng, đồng thời hợp tác và liên kết với các bên liên quan nhằm tạo dựng một môi trường phát triển thuận lợi cho các DNXH tại Việt Nam.
    
Tin và ảnh: Quyết Thắng         
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xã hội cần xây dựng chiến lược hoạt động rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO