Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường: Được vay vốn ưu đãi

04/07/2019 13:42

(TN&MT) - Để giảm thiểu túi ni lông và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong năm 2019 và các năm tiếp theo, TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, đưa các doanh nghiệp chuyển đổi từ sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường vào danh mục dược vay vốn ưu đãi.

anh 1
Hệ thống siêu thị Lotte đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học, bao gói rau bằng lá chuối

Doanh nghiệp “vướng” khi chuyển đổi

Theo Sở Công Thương Hà Nội, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều vướng mắc khi Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thuế, vay vốn… cho doanh nghiệp để chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang sản phẩm thân thiện môi trường.

Mặt khác, do yêu cầu túi ni lông thân thiện với môi trường trước khi được Bộ TN&MT cấp Giấy chứng nhận, nhà sản xuất phải có kiểm nghiệm “đạt” về khả năng tự phân hủy tại phòng thí nghiệm được cấp phép tại Ấn Độ/Thụy Điển; tiêu chuẩn kiểm nghiệm này rất khắt khe trong khi tại Việt Nam chưa có đơn vị nào được cấp phép kiểm nghiệm dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi sản xuất các loại túi ni lông thân thiện với môi trường.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, “doanh nghiệp sản xuất có tâm lý e ngại khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đầu khi mà việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc, phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

Là đơn vị sản xuất bao bì hàng đầu ở Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên bao bì 27/7 Hà Nội Lê Hồng Quang cho biết, hiện nay, đơn vị đã chuyển đổi sản xuất 50% sản phẩm bao bì trong nước và xuất khẩu sang bao bì thân thiện môi trường, đầu tư hàng triệu đô la để nâng cấp thiết bị, đào tạo công nhân, quản trị doanh nghiệp. Đơn vị đặt mục tiêu đến năm 2022, sẽ chuyển đổi 50% sản phẩm còn lại sang sản phẩm thân thiện môi trường.

Theo ông Lê Hồng Quang, để thuận lợi cho các các  doanh nghiệp có thể chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường thành phố nên có đề án nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp sản xuất từ tổ hợp gia đình cho đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty lớn. Từ đó, mới có những đề án, lộ trình, chuyển đổi, hỗ trợ doanh nghiệp.

“Bên cạnh những hỗ trợ về chủ trương, đường lối, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về cho vay vốn ưu đãi, thuế và công nghệ. Tôi cũng lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa nói chung và các nguyên liệu khác được vay theo dự án là tốt nhất” - ông Lê Hồng Quang kiến nghị.

Ưu tiên “vay vốn ưu đãi”

Nhằm giảm thiểu túi ni lông và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu và đề xuất cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ tiên tiến, tái chế các vật liệu khó phân hủy, chuyển sang sản xuất vật dụng, sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.

Liên quan đến vấn đề vay vốn, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan đưa danh mục đối tượng các doanh nghiệp chuyển đổi từ công nghệ sản xuất nhựa một lần sang sản phẩm thân thiện môi trường vào danh mục được vay vốn ưu đãi. Nếu các doanh nghiệp, chủ đầu tư có dự án, thông qua các cơ quan đánh giá hiệu quả dự án thành phố sẽ thực hiện cho vay. Ngoài ra, thành phố sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại có những chính sách, gói tín dụng ưu đãi với đối tượng doanh nghiệp này.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, giải pháp về thuế hết sức quan trọng nhưng việc ban hành chính sách liên quan đến thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội. “Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp, thành phố sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội về việc các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường này với mức thuế nào phù hợp”..

Ngoài ra, thành phố sẽ thường xuyên hỗ trợ về thị trường thông qua xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Làm sao để sau khi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường sẽ phân phối ra thị trường trong nước, thậm chí, xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài. Về mặt công nghệ, thành phố giao Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp trao đổi, làm việc với Sở KH&CN làm sao để đưa ra được sản phẩm dùng được, thương mại được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường: Được vay vốn ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO