Lễ công bố báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2014 |
TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI cho biết: Từ kết quả nghiên cứu trong Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Phát triển DN và chất lượng tăng trưởng” về mối liên kết chặt chẽ giữa việc phát triển DN và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2014 tiếp tục tìm hiểu mối liên kết này trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo, là nguồn thu ngoại tệ lớn và góp phần ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và bị tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Để có thể giải quyết được những hạn chế này, cần có sự tham gia của DN vào kinh doanh trong nông nghiệp.Đây là nội dung của Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014 với chủ đề "Phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp" vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/4 tại Hà Nội.
Báo cáo nghiên cứu thường niên DN Việt Nam năm 2014 với chủ đề Phát triển DN trong kinh doanh nông nghiệp cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2014 có những tín hiệu của sự phục hồi. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% - là mức tăng trưởng GDP cao nhất kể từ năm 2011. Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm 2013; riêng khu vực dịch vụ tăng 5,96%, thấp hơn mức tăng 6,56% của năm 2013. Năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD, đây là mức xuất siêu cao nhất kể từ khi cán cân thương mại của Việt Nam đạt thặng dư vào năm 2012...
Nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, các DN hiện nay vẫn đang gặp không ít khó khăn, số DN phải đóng cửa giải thể cao, tỷ lệ DN tăng trưởng thấp, quy mô trung bình của DN không những không được cải thiện trong nhiều năm mà còn có nguy cơ bị thu hẹp lại… “Trong số khoảng 500.000 DN đang hoạt động hiện nay, chỉ có 2% là DN lớn, 2% DN cỡ vừa, các DN phần lớn hoạt động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt thiếu DN cỡ vừa đủ lớn để có quy mô kết nối với các DN trên toàn cầu”, ông Lộc nói.
Dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTS rất nhỏ. Mặc dù số lượng doanh nghiệp trong NLTS đã tăng từ 2397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3635 doanh nghiệp năm 2013, tuy nhiên tỷ trọng doanh nghiệp trong NLTS so với bức tranh chung của DN lại có xu hướng giảm đi, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. Nếu nông nghiệp là ngành có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, từ 787 doanh nghiệp năm 2007 lên 1707 doanh nghiệp năm 2013, thì thủy sản lại có tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thấp, thậm chí có những năm số lượng doanh nghiệp giảm đi.
Nông nghiệp là ngành có tỷ trọng cao nhất về số lượng doanh nghiệp, với 1707 doanh nghiệp năm 2013, chiếm 47% trong tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTS, tiếp đến là thủy sản với 1296 doanh nghiệp, chiếm 35,7%, cuối cùng là lâm nghiệp với 632 doanh nghiệp, chiếm 17,3%. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang dần khẳng định vị thế và vai trò của mình trong lĩnh vực NLTS, tuy nhiên khu vực doanh nghiệp này mới chỉ chiếm đa số về số lượng doanh nghiệp, còn về lao động và tài sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp FDI vẫn ít đầu tư vào lĩnh vực NLTS, chiếm 3% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực NLTS và chiếm 1,09% tổng số doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NLTS nhất, chiếm ¼ số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản. Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung cũng là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp ngành thủy sản cao, chiếm 21,4%.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, cạnh tranh trong nước và toàn cầu tiếp tục gay gắt, một số thị trường xuất – nhập khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng do yếu tố địa chính trị, để nâng cao được năng lực cạnh tranh, các chuyên gia khuyến cáo: DN cần chủ động mở rộng quy mô đủ lớn, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, từ đó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu hoặc trở thành nhà thầu phụ cho các DN FDI, DN lớn. DN phải đa dạng hóa nguồn lực, lựa chọn phương thức huy động vốn, công nghệ, kỹ năng kinh doanh từ nhiều nguồn khác nhau. DN cũng cần xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn, chú trọng khâu thiết kế sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường; tăng cường liên kết kinh doanh thông qua các hiệp hội để chia sẻ thông tin... Trong lĩnh vực nông nghiệp, các DN phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.
Theo Báo Công thương