Doanh nghiệp dầu khí kỳ vọng từ việc sửa đổi Luật Dầu khí

H. Thương| 08/08/2022 13:38

Việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực này. Các doanh nghiệp kiến nghị những vấn đề cần tháo gỡ đồng thời kỳ vọng, Luật được sửa đổi sẽ thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, mở ra cánh cửa mới đưa ngành dầu khí lớn mạnh.

Cải thiện đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác

Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993 và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

f18379257459cd83a4cde61d41850945.jpg
Việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện đang nhận được sự quan tâm của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi tác động lớn đến sự phát triển của Petrovietnam, nhiều mỏ dầu khí đã qua thời kỳ khai thác đỉnh cao đang trên đà suy giảm sản lượng, tiềm năng các lô thăm dò ngày càng hạn chế, các điều kiện ưu đãi về đầu tư theo pháp luật dầu khí hiện hành thiếu hấp dẫn, trong khi đó, nhu cầu về năng lượng toàn cầu sau đại dịch ngày tăng.

Theo ông Hoàng Ngọc Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước như PVN và các công ty thuộc sở hữu toàn phần của DNNN như PVEP. Vì thế, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN/PVEP chịu sự điều chỉnh của rất nhiều nguồn luật khác nhau nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào càn lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí không tạo đà cho tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.

Từ thực tế của PVEP đã và đang vướng mắc, ông Trung cho biết, là ngành đặc thù có rủi ro cao, nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành chưa đủ linh hoạt và không kịp thích ứng với hiện trạng về điều kiện địa chất và tiềm năng dầu khí ngày càng suy giảm, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi và tác động bất lợi đến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng. Mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh đáng kể khi so sánh với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam á, điển hình là Malaysia và Indonesia.

Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về chính sách pháp luật dầu khí cần được ưu tiên, chú trọng để tạo hàng lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý có thẩm quyền và các nhà đầu tư, trong đó PVN và PVEP là những nhà đầu tư chủ lực, trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí cải thiện hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí đang triển khai và thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư mới nhằm hỗ trợ cho công cuộc phục hồi kinh tế quốc dân sau đại dịch Covid 19, ngăn chặn và đẩy lùi các dấu hiệu của suy thoái kinh tế.

z3620855994860_3c45a3ee811b39b852b314be88c9ddd9.jpg

Gỡ nút thắt chồng chéo các luật

Là doanh nghiệp đang điều hành dự án dầu khí Sư Tử Trắng, ông Nguyễn Văn Quế, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Cửu Long (Cửu Long JOC) cho biết, sự chồng chéo trong các luật hiện hành như Luật Dầu khí, Luật Đầu tư công… đang tạo ra những rào cản cho doanh nghiệp trong triển khai các dự án khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quế cho biết, hoạt động ở khâu đầu - tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lĩnh vực hoạt động của PVEP nói chung và Cửu Long JOC nói riêng chịu sự điều chỉnh rất lớn của Luật Dầu khí. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Như với PVEP, giai đoạn 2007 – 2016, công ty thực hiện đầu tư đến 27 dự án nhưng từ 2016 trở đi sau khi điều chỉnh về hợp đồng dầu khí, cũng như những chính sách, pháp luật đầu tư, thì đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác giảm mạnh, giai đoạn 2016 – 2021 chỉ có khoảng 2 dự án đầu tư, quy mô cũng có sự giảm sút rõ rệt.

6-1-.jpg
Dự án dầu khí gặp khó khăn trong triển khai do một số bộ ngành cho rằng phần dự án trên bờ phải tuân thủ các các luật khác

Khi được hỏi về những khó khăn đối với các đơn vị thăm dò, khai thác dầu khí trong nước gặp khó khăn trong triển khai các dự án ông Quế lấy ví dụ điển hình đó là việc triển khai mỏ Sư Tử Trắng. Mỏ được phát hiện năm 2005 (thăm dò, thẩm lượng mất hàng trăm triệu USD) phải mất 7 năm bàn bạc phương án để phát triển mỏ. Nhưng để phát triển mỏ khí cần có cam kết tiêu thụ. Với đặc thù mỏ Sư Tử Trắng có thể mang lại lợi ích trước cho các nhà đầu tư trước cả khi có cam kết quyền lợi với các nhà đầu tư khi dòng khí khai thác được đưa vào bờ. Vì vậy, các bên đã nhất trí đưa ra phương án khai thác thử ban đầu với chi phí khoảng 200 triệu USD vào năm 2012. Vì vậy PVEP đã quyết định cho khai thác thử mỏ Sử Tử Trắng . “May mắn là vào thời điểm năm 2012, Dự án chưa bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công nên nếu dự án khai thác thử khí ở Sư Tử Trắng thất bại thì vẫn có mỏ dầu trong cùng lô dầu khí gánh lỗ”, ông Quế cho biết.

Ông Hoàng Ngọc Trung cho biết thêm, đối với dự án Cá Voi Xanh mà PVEP đang triển khai, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang triển khai dự án dầu khí tại Việt Nam chỉ cần tuân thủ Luật Dầu khí của Việt Nam. Chính vì vậy, trong cùng một dự án dầu khí do PVN, PVEP và ExxonMobile đang triển khai như dự án Cá Voi Xanh, tiến độ triển khai cũng gặp nhiều vướng mắc.

9-1-.jpg

Hiện nay chính phủ đã cho mở rộng phạm vi của hợp đồng dự án Cá Voi Xanh, bao gồm cả phần dự án ở ngoài biển và trên bờ. Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn trong triển khai do một số bộ ngành cho rằng phần dự án trên bờ phải tuân thủ các luật khác.

Ngoài ra, PVEP hiện nay cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm thăm dò do cơ chế tài chính và xử lý rủi ro chưa có để doanh nghiệp có thể gia tăng trữ lượng, góp phần tăng sản lượng khai thác.. Vì vậy, việc sớm sửa đổi Luật dầu khí để tránh sự chồng chéo luật cũng như xây dựng những ưu đãi phù hợp với thực tế mỏ dầu khí tại Việt Nam là rất cần thiết để ngành dầu khí có thể hoạt động minh bạch, không bị tụt hậu so với nước ngoài, ông Trung cho hay.

Phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp Quốc hội thứ 15, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, dù qua 3 lần ban hành và sửa đổi nhưng Luật chưa đáp ứng yêu cầu phát sinh trong hoạt động dầu khí. Một trong những mục tiêu quan trọng khi sửa luật là tạo động lực tiếp theo về cơ chế, thể chế thúc đẩy phát triển ngành dầu khí giai đoạn tới, nhất là khi dư địa nguồn tài nguyên này của nước ta có thể khai thác biến thành nguồn lực phát triển không nhỏ.…

Thực tế tại các đơn vị mới thấy rằng, ngành dầu khí nói chung, các đơn vị như PVEP nói riêng đã và đang chịu áp lực rất lớn trong đầu tư thăm dò khai thác dầu khí mà với họ chỉ chờ vào sự sửa đổi, bổ sung các điều/ khoản Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022 để được triển khai thực hiện đầu tư các dự án dầu khí minh bạch, rõ ràng và hơn cả đó là sự canh tranh một cách sòng phẳng với các nhà thầu dầu khí quốc tế

Cho đến thời điểm hiện nay, Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được các cơ quan của Quốc hội thẩm định và sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới đây.

“Việc xây dựng và ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) là vô cùng cần thiết, một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai”. (ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dầu khí kỳ vọng từ việc sửa đổi Luật Dầu khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO