1.192 cơ sở phải kiểm kê KNK
Theo ông Hà Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu - Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về Danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK. Theo lộ trình thực hiện báo cáo kiểm kê, 1.192 cơ sở thuộc 6 lĩnh vực: Năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông - lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê KNK năm 2022 vào đầu năm 2023. Công việc này tiếp tục được thực hiện hằng năm.
Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở định kỳ 2 năm một lần, gửi UBND cấp tỉnh để thẩm định để gửi Bộ TN&MT.
Doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 - 2030. Từ năm 2027, doanh nghiệp sẽ phải gửi báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến Bộ chủ quản và Bộ TN&MT. Đây là căn cứ để Nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cũng như cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải lớn 2 năm một lần.
Ở cấp cơ sở, doanh nghiệp cần xác định phạm vi các nguồn phát thải và phương pháp kiểm kê KNK cho các nguồn phát thải, hấp thụ KNK từ các hoạt động của cơ sở. Mới đây, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Xây dựng đã tổ chức đợt tập huấn đầu tiên cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng về phương pháp kiểm kê, báo cáo. Theo ông Hà Quang Anh, nguyên tắc quan trọng nhất trong kiểm kê KNK là tính minh bạch, với các tài liệu chỉ rõ nguồn dữ liệu, các giả định, quy trình và phương pháp luận được sử dụng. Số liệu hoạt động cho từng hoạt động phát thải, hấp thụ KNK cấp cơ sở được căn cứ theo hướng dẫn của Nghị định thư toàn cầu về KNK và được quy định tại Thông tư quy định kỹ thuật theo lĩnh vực do Bộ quản lý lĩnh vực ban hành.
Riêng đối với kỳ kiểm kê KNK lần đầu cho năm cơ sở 2022, Bộ quản lý lĩnh vực sẽ ban hành công văn hướng dẫn các cơ sở thuộc phạm vi quản lý thu thập và cung cấp các số liệu trước ngày 31/1/2023.
Về thẩm định, tại Việt Nam hiện nay, Trung tâm Phát triển các-bon thấp thuộc Cục Biến đổi khí hậu là một trong những đơn vị đủ điều kiện thực hiện các hoạt động đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Các phương pháp này đảm bảo tính chính xác, minh bạch trên cơ sở quy định của Liên hợp quốc và Việt Nam.
Cơ hội tham gia thị trường các-bon
Doanh nghiệp giảm phát thải đều có cơ hội tham gia thị trường các-bon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Trên thế giới, đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng các công cụ định định giá các-bon (trong đó có thị trường các-bon) với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nguồn thu năm 2020 lên khoảng 50 tỉ USD và đặc biệt đã quản lý được khoảng 13 tỉ tấn CO2, tương đương khoảng 23% tổng phát thải toàn cầu.
Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, các cơ sở phải kiểm kê KNK bao gồm: Cơ sở phát thải hằng năm ≥ 3.000 tấn CO2 tương đương; Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng tiêu thụ năng lượng ≥ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE); Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm ≥ 1,000 TOE; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm ≥ 1.000 TOE; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm ≥ 65.000 tấn.
Việt Nam dự kiến sẽ thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028 nhằm kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh (Cục Biến đổi khí hậu), hai mặt hàng của thị trường các-bon là tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải. Tín chỉ các-bon thu được từ các hoạt động giảm phát thải của doanh nghiệp và được các cơ chế phát hành tín chỉ chứng nhận. Còn hạn ngạch phát thải khí nhà kính do Nhà nước phân bổ cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát thải quá ngưỡng có thể mua thêm hạn ngạch do Nhà nước ban hành, hoặc từ các đối tượng khác cũng được cấp hạn ngạch nhưng không sử dụng hết. Đó chính là bên mua - bên bán của thị trường các-bon.
TS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, để được hưởng những lợi ích từ thị trường, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải KNK, về thị trường các-bon. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực về kiểm kê KNK và thực hiện hoạt động giảm phát thải KNK, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.
Cho rằng tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hiện nay, TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, các tiêu chí cần đáp ứng trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Và do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay.