Đoàn khảo sát của Quốc hội và Liên hợp quốc làm việc tại Sơn La

15/03/2019 23:01

(TN&MT) - Chiều 15/3, Đoàn khảo sát của Quốc hội và Liên hợp quốc do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Sơn La về tình hình thực hiện xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất đã báo cáo với đoàn khảo sát những nét cơ bản về tình hình thực hiện xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững của địa phương.

Sơn La là một tỉnh miền núi có diện tích tự nhiên 14.174 km2, dân số trên 1,234 triệu người, với 12 dân tộc anh em. Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo theo chỉ đạo của Trung ương về công tác xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La giảm từ 31,91% (87.146 hộ) hết năm 2016, xuống còn 25,42% (71.798 hộ) năm 2018, bình quân giảm 3,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo giảm từ 35,44% hết năm 2016, xuống còn 29,62% năm 2018, bình quân giảm 2,9%/năm. Hộ nghèo là dân tộc thiểu số giảm từ 30,45% (83.163 hộ) hết năm 2016, xuống còn 24,8% năm 2018, bình quân giảm 2,8%/năm.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh được tỉnh Sơn La quan tâm. Hiện tỉnh Sơn La có 92,42% xã, 61,68% bản có đường giao thông được cứng hóa; làm được 8.400 tuyến đường bê tông xi măng, dài gần 2.200 km. Tỉnh có 44,6% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn dưới 20%. 100% xã trong tỉnh có trường mầm non, trường phổ thông; tổ chức nấu ăn tập trung tại 235 trường, với 49.825 học sinh bán trú thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 55,7%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện quốc gia đạt 93,8%. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%.

Đối với đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Tỉnh đã có 57.440 ha cây ăn quả; 18.500 ha cây cà phê; 4.820 ha chè; 9.450 ha mía và 6.040 ha cây cao su. Năm 2018, tỉnh Sơn La đã tập trung tiêu thụ 256.000 tấn quả các loại; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 115 triệu USD; xuất khẩu được hơn 17.500 tấn quả các loại sang thị trường 12 nước.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình hành động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phụ nữ bình đẳng giới. Các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đều nhận được sự quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ theo quy định của Nhà nước…

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Sơn La đã đề nghị với Đoàn khảo sát của Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương một số nội dung như: Quam tâm, đầu tư nguồn lực cho địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhất là nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua các nguồn vốn vay của các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng chính chính xã hội; quan tâm công tác đào tạo nghề. Xem xét điều chỉnh cách thức rà soát hộ nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh buổi khảo sát tình hình thực hiện xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững tại Sơn La là một bước triển khai thông điệp và quyết nghị của hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới tổ chức tại Đà Nẵng năm 2018. Đây là một bước rất quan trọng để khảo sát và triển khai ở các tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, về chủ trương sẽ chọn Sơn La là tỉnh làm điểm xây dựng bộ công cụ đánh giá địa phương cấp tỉnh. Do đó, trong số các tiêu chí, tỉnh Sơn La cần chọn 4 nội dung để triển khai thực hiện, cụ thể: Chọn đánh giá việc phát triển nông -lâm nghiệp bền vững gắn với trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và xây dựng các vườn, trang trại phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương; xây dựng bộ tiêu chí về giảm nghèo đa chiều ở một tỉnh miền núi; xây dựng bộ công cụ tự đánh giá về phát triển bền vững ở một tỉnh miền núi nhưng cần cụ thể hóa những nội dung ở cấp tỉnh bằng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và nghị quyết đó phải đảm bảo giữa phát triển kinh tế với xã hội; kết nối và phát triển bền vững du lịch.

Trước đó, sáng 15/3, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn khảo sát đã làm việc với huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo, năm 2016, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo rà soát, làm việc với trên 3.900 hộ nghèo, qua đó xác định rõ nguyên nhân khó khăn của từng hộ. Trên cơ sở đó, huyện Mộc Châu đã phân loại hộ nghèo thành 6 nhóm nghèo gồm: Không có đất sản xuất, không biết cách làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, có nhu cầu vay vốn, chưa biết cách tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, có lao động không có việc làm, có đất có lao động nhưng không biết cách làm ăn và khó có khả năng thoát nghèo.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn khảo sát thăm mô hình trồng dâu tây tại Công ty cổ phần Chimifarm, huyện Mộc Châu.
Đoàn khảo sát Quốc hội, do bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham quan mô hình trồng dâu tây ở Mộc Châu.

Qua đó, huyện Mộc Châu từng bước đề ra các biện pháp giải quyết kịp thời và giao cho các cơ quan chuyên môn phụ trách từng nhóm. Huyện Mộc Châu đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4%, trong đó không có hộ nghèo về nhà ở; không còn phòng học tạm, không có học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn không được hỗ trợ, giúp đỡ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao huyện Mộc Châu đã đi đúng hướng mà Liên hợp quốc đưa ra trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững và việc làm này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, không riêng gì ở huyện Mộc Châu, mà các huyện của tỉnh Sơn La đều làm rất tốt công tác trồng rừng gắn với cây ăn quả để phát triển kinh tế cho người dân. Về du lịch Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi, vì vậy cần phát triển du lịch gắn với sinh kế của người dân một cách bền vững...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị huyện Mộc Châu cần bảo đảm môi trường sạch, trong lành để thu hút đầu tư vào du lịch. Ngoài ra, huyện cần quan tâm đến chăm sóc y tế, sức khỏe cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Mộc Châu nên ưu tiên phát triển rau, củ, quả hữu cơ và cây ăn quả chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đoàn khảo sát đã thăm mô hình trồng dâu tây tại Công ty cổ phần Chimifarm và khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; thăm bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn khảo sát của Quốc hội và Liên hợp quốc làm việc tại Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO